Kính thưa Quý ông bà anh chị em ! Tiếp nối chủ đề Người Tôi Tớ của Giavê Thiên Chúa được trình bày liên tiếp qua 4 bài đọc trong những ngày Tuần thánh này; Hôm qua với đề tài: Người Tôi Trung Tín Thác nơi Thiên Chúa; Hôm nay, với Bài ca thứ 3, chúng ta cùng nhau chiêm ngắm hình ảnh Người Tôi Trung đương đầu trước thử thách gian trân...

THỨ TƯ TUẦN THÁNH

Chủ đề: Người Tôi Trung đương đầu với thử thách gian truân

(Bài viết suy niệm của cha sở Phêrô Nguyễn Thanh Tùng).

        Kính thưa Quý ông bà anh chị em ! Tiếp nối chủ đề Người Tôi Tớ của Giavê Thiên Chúa được trình bày liên tiếp qua 4 bài đọc trong những ngày Tuần thánh này; Hôm qua với đề tài: Người Tôi Trung Tín Thác nơi Thiên Chúa; Hôm nay, với Bài ca thứ 3, chúng ta cùng nhau chiêm ngắm hình ảnh Người Tôi Trung đương đầu trước thử thách gian trân.
        Thưa Quý ÔBACE ! Trong cuộc sống, rất nhiều khi con người phải đương đầu với sự bội phản và người ta rất đau khổ khi bị phản bội, nhất là khi sự phản bội đến từ những người thân tín nghĩa thiết, chẳng hạn như: cha mẹ, vợ chồng, con cái, thầy trò, anh chị em, bạn hữu hay những người đồng chí hướng. Vậy khi đối diện với sự bội phản và những thử thách, Người Tôi Trung của Thiên Chúa đã sống thế nào? Đâu là sức mạnh, đâu là chổ dựa cho kẻ gặp gian truân? Tiên tri Isaia đưa ra cho chúng ta câu trả lời rất quan trọng: chính Thiên Chúa là sức mạnh, là Đấng nâng đỡ phù trì. Do đó, Người Tôi Trung cần chạy đến kín múc nơi Ngài nguồn sức mạnh và tình yêu khi phải đương đầu với đau khổ thử thách trong cuộc sống.
        Bài Đọc I cho chúng ta thấy: nguồn sức mạnh của Người Tôi Trung là chính Thiên Chúa. Một khi có Thiên Chúa nâng đỡ và bảo vệ, Người Tôi Trung có thể đương đầu với bất cứ nghịch cảnh nào và nhờ đó, sẽ thắng vượt tất cả. Hình ảnh Người Tôi Trung ấy được thể hiện cách cụ thể và trọn vẹn nơi Đức Giêsu Kitô qua trang Tin mừng chúng ta vừa nghe. Ngài phải đương đầu với sự phản bội của Giuda, nhưng Chúa Giêsu tỏ ra bình tĩnh để nói rõ cho các môn đệ và cho cả Giuda biết về sự phản bội ấy: “Thầy nói thật cho các con biết: một người trong các con sẽ nộp Thầy”; Hơn nữa, Đức Giêsu còn can đảm đón nhận mọi đau khổ, thậm chí là cái chết từ sự phản bội này. Ngài biết rằng, Thiên Chúa sẽ cho Ngài chiến thắng. vậy do đâu, Người Tôi Trung lại có thái độ sống thanh thoát trước những đau khổ và sự phản bội như thế?


1. Người Tôi Trung sống mối tương quan mật thiết với Thiên Chúa trong tình yêu.
        Kính thưa Quý ÔBACE ! Để có thể chu toàn sứ vụ làm chứng cho Thiên Chúa, Người Tôi Tớ của Giavê đã dành thời giờ để cầu nguyện, để được dạy dỗ như một người môn đệ. Bài ca về Người Tôi tớ nơi sách Tiên tri Isaia viết: “Chúa đã cho tôi miệng lưỡi đã được huấn luyện, để tôi biết dùng lời nói nâng đỡ kẻ nhọc nhằn. Mỗi sáng Người đánh thức tôi, Người thức tỉnh tai tôi để nghe lời người giáo huấn”.
        Một khi đã hiểu biết kế hoạch khôn ngoan của Thiên Chúa, Người Tôi Trung trở nên ngoan hiền trong vòng tay yêu thương của Ngài và cũng không sợ hãi, không lùi bước trước những khó khăn: “Thiên Chúa đã mở tai tôi mà tôi không cưỡng lại và cũng chẳng thối lui”.
2.Với Tình yêu, Người Tôi Trung sẵn sàng đương đầu với mọi gian khó.
        Sách tiên Isaia cho chúng ta thấy, Người Tôi Trung sẵn sàng đón nhận mọi đau khổ thử thách để làm chứng cho Tình yêu: “Tôi đã đưa lưng cho kẻ đánh tôi, đã đưa má cho kẻ giật râu. Tôi đã không che mặt tránh những lời nhạo cười và những người phỉ nhổ tôi”.
        Người Tôi Trung đón nhận mọi đau khổ với một niềm tin mãnh liệt vào Thiên Chúa: “Vì Chúa nâng đỡ tôi, nên tôi không phải hổ thẹn, nên tôi trơ mặt chai như đá. Tôi biết tôi sẽ không phải hổ thẹn”. Tất cả những chi tiết về Người Tôi Tớ Giavê qua Sách Tiên tri Isaia trên đây, ứng nghiệm cách trọn vẹn nơi Đức Giêsu, trong Cuộc Thương Khó của Ngài.
        Thật vậy, câu chuyện Tin Mừng cho chúng ta thấy, dù bị môn đệ phản bội, dù đứng trước sự dữ đang bủa vây tư bề, nhưng Ngài vẫn luôn ở thế chủ động. Cùng ăn Lễ Vượt qua với các Môn đệ và trong bữa ăn, Ngài chỉ cho các Môn đệ thấy âm mưu phản bội của Giuda: “Thầy nói thật cho các con biết: một người trong các con sẽ nộp Thầy”. Đây quả thật là thái độ và là cách hành xử tuyệt vời của Một Quân Tử, Một Vị Tôn sư.
3. Người Tôi Trung luôn tín thành trong tình yêu với niềm tin tưởng, phó thác.
        Càng thể hiện lòng nhân ái bao dung, Người Tôi Trung của Thiên Chúa càng đau lòng trước sự bội phản. Đức Giêsu phải trải qua nỗi đau xé lòng, nhất là sự phản bội ấy đến từ môn đệ thân tín, từ “kẻ giơ tay chấm cùng một đĩa với Thầy”, chi tiết này làm vang lên lời Kinh Thánh: “Kẻ đã cùng con chia cơm sẻ bánh, lại giơ gót đạp con”. Dù vậy, Chúa Giêsu vẫn tỏ thái độ bình tĩnh, yêu thương và yêu thương cho đến cùng, ngay cả với thái độ giả hình của Giuda: “Thưa Thầy có phải con không?” Lúc ấy, Chúa Giêsu vẫn tỏ thái độ bao dung và trả lời: “Đúng như con nói”. Ở đây, chúng ta có thể nhận thấy, Người Tôi Trung hoàn toàn tín thác trong tình yêu và thể hiện trọn vẹn tình yêu.
        Như Người Tôi Trung đích thực, Đức Giêsu đặt trọn niềm tín thác vào quyền năng của Thiên Chúa qua lời Tiên tri Isaia ở cuối bài đọc I: “Đấng xét xử tôi vô tội ở gần tôi, ai còn tranh tụng với tôi được. Này đây Thiên Chúa bênh đỡ tôi, ai dám kết tội tôi?” Đây quả thật là sự tín thác hoàn toàn và tuyệt đối cho quyền năng và tình thương của Thiên Chúa nơi Người Tôi tớ Trung thành.
4. Sống mẫu gương của Người Tôi Trung.

        Kính thưa Quý ÔBACE ! Phản bội, đau khổ, thất vọng thường xuyên xảy đến trong đời sống con người. Đối diện với cuộc sống đầy bất trắc như thế, theo gương Người Tôi Trung của Thiên Chúa, chúng ta được mời gọi bình tĩnh cầu nguyện để đối phó. Gắn bó với Thiên Chúa, khiêm tốn, ngoan hiền trong vòng tay yêu thương của Ngài, để được Ngài huấn luyện, được gia tăng sức mạnh, tình yêu, hầu có thể đứng vững, vượt qua khủng hoảng, đây là bài học cho người Kitô hữu chúng ta, nhất là cho những ai sống đời thánh hiến, để trở thành môn đệ, thành Tôi Trung của Thiên Chúa.
        Chúng ta chỉ có thể đương đầu với những thử thách, phản bội, đau khổ… bao lâu chúng ta còn có Chúa, bao lâu chúng ta còn biết đặt trọn niềm tín thác vào Thiên Chúa. Giuda Iscariot không thể trung thành, thậm chí, khi trở thành kẻ phản bội, ông không thể ý thức sai lầm, và rồi, ông không thể đương đầu với những tội lỗi ấy, mặc dù đã được Đức Giêsu cảnh tỉnh và nhất là khi đã bán Chúa phản Thầy, ông không thể đứng dậy, trở về, vì ông không còn sức mạnh và niềm tin nơi Thiên Chúa. Xin Chúa ban cho chúng ta một niềm tin son sắt, một tình yêu nồng nàn, một lòng cậy trông kiên vững, để chúng ta có thể vững bước trong cuộc hành trình theo Chúa, để trở nên người Tôi tớ tín trung, sống và làm chứng cho Tình yêu của Chúa đối với mọi người Amen.

Ý KIẾN BẠN ĐỌC