Cùng với Giáo hội, chúng ta bước vào những ngày cao điểm của mầu nhiệm Kitô giáo, của Năm phụng vụ với Tam nhật thánh. Trong ngày thứ năm Tuần thánh hôm nay, với thánh lễ Tiệc Ly, Giáo hội cử hành kỷ niệm việc Chúa Giêsu thiết lập Bí tích Thánh Thể và chức tư tế thừa tác linh mục...

THỨ NĂM TUẦN THÁNH

Chủ đề: Chúa Giêsu ăn Bữa Tiệc Ly với các môn đệ và rữa chân cho các ông.

(Bài viết suy niệm của Cha Sở Phêrô Nguyễn Thanh Tùng).                                         

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan. (Gio 13,1-15).
        1 Trước ngày Lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu biết đã đến giờ Mình phải bỏ thế gian mà về cùng Chúa Cha, Người vốn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn đang ở thế gian, thì đã yêu thương họ đến cùng. 2 Sau bữa ăn tối, ma quỷ gieo vào lòng Giuđa Iscariô, con Simon, ý định nộp Người. 3 Người biết rằng Chúa Cha đã trao phó mọi sự trong tay mình, và vì Người bởi Thiên Chúa mà đến và sẽ trở về cùng Thiên Chúa. 4 Người chỗi dậy, cởi áo, lấy khăn thắt lưng, 5 rồi đổ nước vào chậu; Người liền rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau. 6 Vậy Người đến chỗ Simon Phêrô, ông này thưa Người rằng: “Lạy Thầy, Thầy định rửa chân cho con ư ?” 7 Chúa Giêsu đáp: “Việc Thầy làm bây giờ con chưa hiểu, nhưng sau sẽ hiểu”. 8 Phêrô thưa lại: “Không đời nào Thầy sẽ rửa chân cho con”. Chúa Giêsu bảo: “Nếu Thầy không rửa chân cho con, con sẽ không được dự phần với Thầy”. 9 Phêrô liền thưa: “Vậy xin Thầy hãy rửa không những chân con, mà cả tay và đầu nữa”. 10 Chúa Giêsu nói: “Kẻ mới tắm rồi chỉ cần rửa chân, vì cả mình đã sạch. Tuy các con đã sạch, nhưng không phải hết thảy đâu”. 11 Vì Người biết ai sẽ nộp Người nên mới nói: “Không phải tất cả các con đều sạch đâu”.
12 Sau khi đã rửa chân cho các ông, Người mặc áo lại, và khi đã trở về chỗ cũ, Người nói: “Các con có hiểu biết việc Thầy vừa làm cho các con chăng ? 13 Các con gọi Ta là Thầy và là Chúa thì phải lắm, vì đúng thật Thầy như vậy. 14 Vậy nếu Ta là Chúa và là Thầy mà còn rửa chân cho các con, thì các con cũng phải rửa chân cho nhau. 15 Vì Thầy đã làm gương cho các con để các con cũng bắt chước mà làm như Thầy đã làm cho các con”. Đó là lời Chúa.

Kính thưa Quý ÔBACE.
        Cùng với Giáo hội, chúng ta bước vào những ngày cao điểm của mầu nhiệm Kitô giáo, của Năm phụng vụ với Tam nhật thánh. Trong ngày thứ năm Tuần thánh hôm nay, với thánh lễ Tiệc Ly, Giáo hội cử hành kỷ niệm việc Chúa Giêsu thiết lập Bí tích Thánh Thể và chức tư tế thừa tác linh mục. Tuy nhiên, một điều rất đặc biệt, trong thánh lễ hôm nay, Giáo hội không cho chúng ta nghe câu chuyện Tin mừng về việc Chúa Giêsu thiết lập Bí tích Thánh Thể: “Người cầm lấy bánh, tạ ơn, bẻ ra và trao cho các môn đệ mà nói: Các con hãy cầm lấy mà ăn vì này là Mình Thầy”, và sau đó là việc Chúa thiết lập chức tư tế linh mục: “Các con hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy”. Nhưng như trang Tin mừng theo thánh Gioan chúng ta vừa đọc, Giáo hội lại cho chúng ta nghe câu chuyện về việc Chúa Giêsu rữa chân cho các môn đệ, một nghĩa cử khiêm tốn, tự hạ, tràn đầy yêu thương của Chúa Giêsu. Vậy, đâu là ý nghĩa mà chúng ta có thể nhận ra trong ngày thứ năm Tuần thánh này, nhất là trong bối cảnh, cùng với toàn thể nhân loại và Giáo hội, chúng ta đang phải đương đầu với những khó khăn do dịch bệnh hoành hành, khi chúng ta không thể tham dự Thánh lễ, không thể cùng cử hành các bí tích cách trực tiếp với sự quy tụ của cộng đoàn. Kính mời Quý ÔBACE cùng nhau suy niệm những ý tưởng sau đây:
1. Giá trị, tầm quan trọng của việc tham dự và cùng cử hành Thánh thể: “Các con hãy cầm lấy mà ăn, vì này là Mình Thầy”.
        Trong thời gian vừa qua, một hình thức tham dự phụng vụ mà chúng ta được nghe nói rất nhiều và đã tham dự đó là thánh lễ trực tuyến, lễ online, nhưng đây chỉ là một hình thức đạo đức, chứ không là một hành vi của người tín hữu cùng tham dự, cùng cử hành Thánh lễ và cùng hiệp thông bí tích. Hay nói cách khác, đó chỉ là một hành vi “chữa cháy”, tạm thời, bù đắp phần nào cho sự thiếu hụt về nhu cầu cần thiết của việc cử hành và hiệp thông vào mầu nhiệm thánh lễ và Thánh Thể Chúa Giêsu, vốn dĩ là đỉnh cao của toàn bộ đời sống Kitô giáo. Trong bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu cầm lấy bánh và Chén, rồi Ngài trực tiếp truyền ban: “Các con hãy cầm lấy mà ăn…. Hãy cầm lấy mà uống….”. Với thánh lễ trực tuyến, rất nhiều những vấn nạn, khó khăn mà người ta gặp phải, chẳng hạn như những người neo đơn, cao tuổi, gia đình không có máy vi tính hay điện thoại thông minh, khi mạng internet yếu, người ta không thể “xem” lễ, hoặc “xem” cách nữa vời, có khi bà chủ cửa hàng bán tạp hóa đang mở điện thoại “xem” lễ, thì có khách mua hàng gọi điện thoại đến: “Alô! Chị nói Shipper giao cho tôi một thùng mì gói nhé. Mấy ký đường, mấy ký muối, bột ngọt, mấy bình dầu ăn…. nhé!” và thế là việc “xem” lễ online ấy bị gián đoạn vì phải lo giao hàng. Thậm chí, nếu quá lệ thuộc, các giáo phận, các giáo xứ khi chạy đua để đưa Thánh lễ lên internet với các đường link mời gọi “xem” lễ trên trang web của mình, có khi, người tín hữu dần mất ý thức về việc “cùng cử hành thánh lễ, cùng tham dự, cùng hiệp thông vào Bàn tiệc lời Chúa và Bàn tiệc Thánh Thể” theo cách thế cử hành trực tiếp, và người Tín hữu giáo dân dễ bị biến thành “khán giả” của việc cử hành này trước linh mục chủ sự. Giáo hội chỉ mời gọi: “trong hoàn cảnh khó khăn hiện tại, người tín hữu có thể…”. Vậy, người Kitô hữu chúng ta cần ý thức và làm gì hơn thế nữa trong bối cảnh khó khăn hiện tại?
2. Sự cần thiết của chức tư tế thừa tác linh mục: “Các con hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy”.
        Trong đời sống Giáo hội, “Thánh lễ là đỉnh cao của toàn bộ đời sống Kitô giáo”. Theo lệnh truyền của Chúa Giêsu, ngay từ buổi sơ khai, dưới sự chủ tọa của các Tông đồ, “Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh và cầu nguyện không ngừng” (CV 2, 42). Với chức tư tế thừa tác (linh mục) do Chúa Giêsu thiết lập trong Bữa Tiệc Ly, “Giáo hội làm nên Thánh Thể” mỗi ngày trong suốt đời sống của mình và qua cử hành này, “Thánh Thể làm nên Giáo hội” khi cộng đoàn Kitô hữu được quy tụ thành một Giáo hội hiệp thông. Với chức tư tế thừa tác, linh mục cùng với các Kitô hữu, khi cử hành Thánh lễ, Giáo hội hiện tại hóa mầu nhiệm Vượt qua của Chúa Kitô, tức là cử hành mầu nhiệm về cuộc thương khó, tử nạn và phục sinh của Chúa, để đem ơn cứu độ của Thiên Chúa cho con người. Chính khi cùng cử hành, hiệp thông với Mình và Máu Chúa Kitô, Thánh Thể giúp nuôi dưỡng, làm tăng triển đời sống Kitô giáo nơi người tín hữu, nhờ đó Giáo hội là “Đàn chiên”, được Đức Kitô, Vị Mục Tử Nhân Lành đón nhận, yêu thương và dẫn đưa đến nguồn sự sống phong phú, dồi dào. Như thế, chính “Thánh Thể làm nên Giáo hội và Giáo hội làm nên Thánh Thể” trong đời sống của mình nhờ vào chức tư tế thừa tác do Chúa Giêsu thiết lập.
3. Chức tư tế cộng đồng của mọi Kitô hữu.
        Như trên, chúng ta đã xác quyết: Chúa Giêsu đã thiết lập chức tư tế thừa tác trong Bữa Tiệc Ly của Ngài với các môn đệ, để Giáo hội tiếp nối và cử hành mầu nhiệm Thánh Thể, tức mầu nhiệm Vượt qua của Chúa, nhằm tiếp tục công trình cứu độ vì yêu thương nhân loại. Nhưng, trong đời sống Giáo hội, không chỉ với chức tư tế thừa tác linh mục, mà mọi Kitô hữu, khi lãnh nhận Bí tích rữa tội, tất cả chúng ta được tham dự vào ba sứ vụ của Chúa Kitô: Ngôn sứ, Tư tế và Mục tử. Hay nói cách khác, mỗi người Kitô hữu, với chức Tư Tế Cộng đồng, chúng ta cùng tham dự và cử hành mầu nhiệm cứu chuộc vì yêu thương của Chúa Giêsu. Tin mừng hôm nay cho chúng ta nghe câu chuyện về việc Chúa Giêsu cúi xuống rữa chân cho các môn đệ. Đây là nghĩa cử tự hạ, yêu thương và là mẫu gương của Chúa cho chúng ta, nghĩa cử này được Chúa Giêsu thực hiện liền ngay sau Bữa Tiệc ly: “Sau bữa ăn tối,…Người chỗi dậy, cởi áo, lấy khăn thắt lưng, rồi đổ nước vào chậu; Người liền rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau”.
        Chúa Giêsu là Vị Thượng Tế tối cao, Ngài không chỉ cử hành và thiết lập Hy Tế Thánh Thể trong Bữa Tiệc Ly với các môn đệ, mà Ngài còn tiếp tục mầu nhiệm tình yêu này với việc tự hạ khi cúi xuống rữa chân cho các môn đệ và với mầu nhiệm tự hủy chính mình trên Thập giá vì yêu thương nhân loại. Chính trong ý nghĩa ấy, Thánh lễ được Giáo hội cử hành không chỉ với chức tư tế thừa tác mà còn với chức tư tế cộng đồng, mọi người cùng tham dự, cùng cử hành, cùng hiệp thông “Cùng một Mình và Máu Thánh Chúa Kitô”, Thánh lễ cũng không kết thúc với Phép lành cuối lễ, nhưng còn kéo dài, còn tiếp diễn trong đời sống thường ngày của Giáo hội, nơi mỗi Kitô hữu, nhất là qua chức tư tế cộng đồng, bằng việc theo gương cộng đoàn Giáo hội sơ khai: “Các tín hữu luôn luôn hiệp thông với nhau …. và cầu nguyện không ngừng” (CV 2, 42). Chính với ý nghĩa ấy, trong bối cảnh hiện tại của đời sống Giáo hội do hậu quả của dịch bệnh, cho dù không thể tham dự và cử hành Thánh lễ cùng với chức tư tế thừa tác linh mục, người Kitô hữu chúng ta vẫn sống, vẫn thi hành chức tư tế cộng đồng của mình, qua việc chuyên chăm cầu nguyện, lắng nghe và sống Lời Chúa, nhất là kiền trì thực thi việc Cầu nguyện sáng tối trong gia đình. Thánh Thể là mầu nhiệm của tình yêu hiến thân cho nhân loại và vì nhân loại. Nghĩa cử cúi xuống rữa chân cho các môn đệ của Chúa Giêsu, đó cũng chính là hành đồng của mỗi người chúng ta, để tiếp nối mầu nhiệm tự hiến, yêu thương của Chúa cho anh chị em mình. Đây là cách thế dễ dàng nhất trong hoàn cảnh khó khăn hiện tại, để chúng ta làm cho Thánh lễ được nối dài trong đời sống ảnh hưởng của dịch bệnh, khi thánh lễ và việc cử hành Thánh thể tại các nhà thờ bị ngưng trệ. Chính khi đó, chúng ta tiếp tục cử hành và sống Mầu nhiệm tình yêu Thánh Thể qua việc hiến dâng, phục vụ bằng nghĩa cử yêu thương của Chúa Giêsu: “Cúi xuống, rữa chân cho các môn đệ”. Hơn lúc nào hết, chúng ta đang sống và thi hành chức tế cộng đồng của mỗi người, như lời của bài một bài Thánh ca: “Nhưng đời ta là Thánh lễ nối dài. Đem tình yêu Thiên Chúa khắp mọi nơi. Ta sống sao để thành chứng nhân” Amen.

Ý KIẾN BẠN ĐỌC