Đêm nay, quả là một đêm đặc biệt nhất trong cuộc đời của những người Kitô hữu. Bởi  lẽ, đây là lần đầu tiên người Kitô hữu chiêm ngắm Con Chúa Sống Lại dưới ánh sáng của ngọn nến Phục sinh...

SUY NIỆM ĐÊM VỌNG PHỤC SINH

Chủ đề: “Lửa Phục Sinh – Lửa của sự sống”

(Bài viết suy niệm của thầy Sáu Giuse Lê Hoàng Tuấn).

1. Lời Chúa: (Đứng)
Tin Mừng theo Thánh Matthêu (Mt 28, 1-10)
Sau ngày sabát, khi ngày thứ nhất trong tuần vừa ló rạng, bà Maria Mácđala và một bà Maria khác, đi viếng mộ. Và kìa, đất rung chuyển dữ dội: thiên thần Chúa từ trời xuống, đến lăn tảng đá ra, rồi ngồi lên trên; diện mạo người như ánh chớp, và y phục trắng như tuyết. Thấy người, lính canh khiếp sợ, run rẩy và hóa ra như chết. Thiên thần lên tiếng bảo các phụ nữ: “Phần các bà, các bà đừng sợ! Tôi biết các bà tìm Ðức Giêsu, Ðấng bị đóng đinh. Người không có ở đây, vì Người đã trỗi dậy như Người đã nói. Các bà đến mà xem chỗ Người đã nằm, rồi mau về nói với môn đệ Người như thế này: Người đã trỗi dậy từ cõi chết, và kìa Người đi Galilê trước các ông. Ở đó, các ông sẽ được thấy Người. Ðấy, tôi xin nói cho các bà hay”. Các bà vội vã rời khỏi mộ, tuy sợ hãi nhưng cũng rất đỗi vui mừng, chạy về báo tin cho môn đệ Ðức Giêsu hay.Và kìa Đức Giêsu đón gặp các bà và nói: “Chào chị em!” Các bà tiến lại gần Người, ôm chầm lấy chân, và bái lạy Người. Bấy giờ, Ðức Giêsu nói với các bà: “Chị em đừng sợ! về báo cho anh em của Thầy để họ đến Galilê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó”.

Đó là lời Chúa. - Lạy Chúa Kitô ngợi khen Chúa.

 

2. Suy niệm: (Ngồi)
        Đêm nay, quả là một đêm đặc biệt nhất trong cuộc đời của những người Kitô hữu. Bởi  lẽ, đây là lần đầu tiên người Kitô hữu chiêm ngắm Con Chúa Sống Lại dưới ánh sáng của ngọn nến Phục sinh nhưng không phải diện đối diện, mà là qua trung gian màn hình vi tính. Sự đe dọa của Virus Corona đã cướp đi cái quyền được quy tụ của chúng ta. Trong bối cảnh ấy, chắc hẳn chúng ta đang cảm nhận một nỗi sợ hãi, một nỗi hoang mang trong tâm hồn, đó là điều khó tránh khỏi; Thế nhưng, lời của thiên thần khi xưa lại vang lên như đã từng vang lên trong nỗi sợ hãi của bà Maria Mađalêna và bà Maria khác nơi trang Tin Mừng rằng: “Đừng sợ, hãy vui lên, vì Người đã sống lại”.
      Thật vậy, làm sao không sợ hãi khi hai bà chứng kiến những cảnh tượng hết sức kinh khủng mà Thánh Máttthêu thuật lại rằng: “Đất rung chuyển dữ dội… tảng đá ngăn mồ bị lăn ra v.v..”. Những cảnh tượng ấy không chỉ khiến cho hai bà sợ hãi, mà còn làm cho những kẻ chưa tin vào ngài là những lính canh cũng khiếp sợ. Vâng, nỗi khiếp sợ bao trùm lên tất cả những ai đã trực tiếp chứng kiến cảnh tượng này.
        
Nhưng cảnh tượng đó chưa phải là chủ đích của thánh Matthêu. Bởi lẽ, ngài muốn dùng dạng văn chương khải huyền để diễn tả một điều lớn hơn, vĩ đại hơn ngay đằng sau khung cảnh ấy: đó là ngày của Chúa. Khung cảnh ấy gợi cho những người tin về kinh nghiệm của một cuộc thần hiện: ngày Thiên Chúa sẽ xuất hiện. Và quả thật, chính Chúa Giêsu đã Phục Sinh, một Thiên Chúa chiến thắng tử thần, Ngài đã xuất hiện trong ngày ấy. Chính trong sự tương phản, thánh Matthêu đã làm nổi bật lên hình ảnh: Chúa đã sống lại. Việc sống lại của Chúa là nguồn ánh sáng để xua tan bóng đêm của nỗi sợ hãi đang phủ lấp cõi lòng con người.
        
Và quả thật, khung cảnh của trang Tin Mừng năm xưa dường như một lần nữa lại tái hiện trong thế giới ngày nay. Bóng đêm của chết chóc vì dịch bệnh covid-19, bóng đêm của nỗi sợ hãi một lần nữa tràn ngập trong cõi lòng của những người có đức tin cũng như những người chưa tin vào Chúa. Và cũng cùng một thông điệp như Thánh Matthêu năm xưa, Giáo Hội hôm nay công bố lại sứ điệp lớn lao ấy: “Chúa đã sống lại”.
        
Ánh sáng của ngọn nến Phục Sinh hôm nay một lần nữa được thắp lên. Cho dẫu chúng ta chỉ nhìn thấy ngọn lửa Phục Sinh cháy sáng qua màn hình vi tính, nhưng ngọn lửa ấy đang cháy thật và rực sáng nơi các thánh đường trên toàn thế giới. Tưởng chừng như đây là một mất mát cho những người tín hữu, thế nhưng, trong hoàn cảnh khó khăn này, chúng ta lại khám phá một hình ảnh thật đẹp: Nếu như những năm trước ánh lửa Phục Sinh chỉ tập trung nơi các thánh đường; thì hôm nay, ánh lửa ấy lại rực sáng lên trên bàn thờ của mọi gia đình những người công giáo. Ánh sáng ấy lan tỏa khắp nơi trên mọi nẻo đường, từ phố xá đến thôn quê, từ đại lộ len lỏi vào tận trong những con hẻm xa tắp. Và dường như, chúng ta có một cảm giác rằng: ánh sáng ấy rực sáng lên và lan tỏa trên toàn trái đất. Một hình ảnh tuyệt đẹp từ cái nhìn của những con người có đức tin.
         
Hình ảnh đẹp ấy gợi nhớ cho chúng ta một câu chuyện thật ý nghĩa:
John Keller - một diễn giả nổi tiếng – trong một bữa tối nọ ông được mời đến sân vận động Los Angeles của Mỹ, để thuyết trình trước khoảng 100.000 người. Đang diễn thuyết bỗng ông dừng lại và dõng dạc nói: “Bây giờ xin các bạn đừng sợ! Tôi sắp cho tắt tất cả đèn trong sân vận động này” Và rồi đèn tắt. Cả sân vận động chìm sâu trong bóng tối.
Ông John Keller nói tiếp: “Bây giờ tôi sẽ đốt lên một que diêm. Những ai nhìn thấy ánh lửa của que diêm tôi đốt thì hãy hô to “Đã thấy!”. Một que diêm được bật lên, cả sân vận động vang lên: “Đã thấy!”. Sau khi đèn được bật sáng trở lại, ông John Keller giải thích: “Ánh sáng của một hành động nhân ái dù nhỏ bé như một que diêm cũng sẽ chiếu sáng trong đêm tăm tối của nhân loại y như vậy.”
        Một lần nữa, ông lại cho tắt tất cả các đèn trong sân vận động. Rồi một giọng nói vang lên: “Tất cả những ai ở đây có mang theo diêm quẹt, xin hãy đốt cháy lên!” Bỗng chốc cả sân vận động được rực sáng.
       
Ông John Keller kết luận: “Những hành động yêu thương xuất phát từ lòng nhân hậu sẽ như những ánh sáng nho nhỏ của một que diêm. Nhưng nếu mọi người cùng đốt lên những ánh sáng bé nhỏ, những hành động yêu thương của chúng ta sẽ có đủ sức mạnh để xua tan bóng tối của những đau khổ và sự dữ.”
        
Vâng, virus Corona đã làm cho thế giới rơi vào đêm tăm tối của sự dữ. Nó gây ra biết bao đau khổ cho con người: nào là mất đi người thân, những công nhân mất việc làm, những người nghèo, những người bán dạo mất đi miếng cơm qua ngày, và còn nhiều hệ lụy đau thương khác nữa… Ước gì ngọn lửa phục sinh đang cháy sáng trên bàn thờ cũng sẽ cháy sáng nơi cõi lòng của chúng ta, để biến đôi tay của chúng ta dám thực thi những hành động yêu thương, cứu giúp đồng loại. Bởi lẽ, những hành động xuất phát từ một tấm lòng nhân ái chính là ánh sáng của ngọn lửa phục sinh, ngọn lửa đem lại sự sống cho người khác. 
        
Đó là sứ điệp của niềm vui Phục Sinh. Sứ điệp ấy không ngừng thúc giục cõi lòng của những người Kitô hữu chúng ta hân hoan thực thi lời mời gọi của Đấng Phục Sinh: “Các con đừng sợ, hãy đi loan báo cho anh em của Thầy… để họ sẽ được thấy Thầy ở đó”. Đây chẳng phải là dịp để chúng ta cùng ra đi lan tỏa ánh sáng phục sinh, là dịp để cho thế giới nhận thấy sự sống lại đích thực của Con Thiên Chúa.
3. Cầu nguyện:
        Lạy Chúa, Chúa đã dùng ánh vinh quang của Đức Kitô sống lại / làm cho đêm thánh này rực sáng. Xin cử Thánh Thần tình yêu đến đổi mới và đốt cháy tâm hồn yêu mến của chúng con, để chúng con dám ra đi phục vụ Chúa nơi anh em mình một cách tận tình hơn. Nhờ đó, ngọn lửa phục sinh, ngọn lửa sự sống của Chúa mỗi lúc một lan tỏa để sưởi ấm thế giới, đẩy lùi cái giá lạnh của sự cô đơn, sợ hãi đang tràn ngập khắp nơi. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

Ý KIẾN BẠN ĐỌC