Giáo xứ Thị Nghè: Ba ngày Tĩnh tâm mùa Vọng 2022 TGPSG - “Sám hối và Hiệp thông” - là...

Giáo xứ Thị Nghè: Ba ngày Tĩnh tâm mùa Vọng 2022


TGPSG - “Sám hối và Hiệp thông” - là chủ đề mà linh mục (Lm) Giuse Đặng Chí Lĩnh chia sẻ trong ba ngày Tĩnh tâm mùa Vọng 15, 16 và 17-12-2022 vào lúc 18g tại Nhà thờ Thị Nghè.

Ngày thứ 1: Sám hối - Trở về với Chúa

Lm Giuse dẫn giải: “Sám hối là quay trở về với tình trạng công chính, thánh thiện nguyên thủy bằng bốn tương quan: với Chúa, với tha nhân, với chính mình và với vũ trụ. Có những người không sám hối vì nghĩ mình tốt rồi, như tư tưởng của các biệt phái và luật sĩ trong đoạn Phúc Âm hôm nay. Hoặc thất vọng vì cứ phạm một tội hoài, kém đức tin về mình và về Thiên Chúa. Hay cái Tôi quá lớn, tự cao không chịu hoàn thiện, dù biết có lỗi mà không muốn thay đổi, chai lì trong tội.Những mẫu gương sám hối: Thành Ninivê/vua David/Giakêu/Phêrô/ Trộm lành. Sám hối là bước đầu tiên nhận ra những mảng tối của tâm hồn để can đảm nói xin lỗi quay về với Chúa. Cốt lõi của cuộc đời là không quên mình có linh hồn. Sống để nhận biết và yêu mến Chúa để sau này về sống với Ngài. Như Thánh Têrêsa Cả đã nói: “Đừng bận tâm. Mọi sự rồi sẽ qua, chỉ có Chúa là tồn tại mãi. Có Chúa là có tất cả.”

 

Những nhà tu đức đã tập khước từ tội lỗi bằng cách tập khước từ những điều được phép làm chẳng hạn như ăn kem, coi phim, vv… Thiên Chúa muốn chúng ta cố gắng tập khước từ những điều được phép làm để có thói quen tự chủ, khi gặp dịp tội sẽ dễ dàng khước từ điều xấu. Nếu không khi Danh Lợi Thú đến, khó chống trả chước cám dỗ. Mỗi tuần tập 1 lần, từ từ sẽ có đủ sức mạnh nội tâm để khước từ dịp tội.”

Kết thúc bài giảng, Lm Giuse đọc các lời nguyện ngắn. Sau mỗi lời nguyện, cộng đoàn cùng cất tiếng hát bài “Nguyện Chúa Chí Ái”.

Ngày thứ 2: Hiệp thông với Chúa qua đời sống cầu nguyện

Lm Giuse chia sẻ: “Để có thể hiệp thông với Chúa phải biết nắm bắt thời gian. Trong đời sống, mỗi người đều có thời gian biểu khác nhau. Nếu dành thời gian chăm sóc thể xác thế nào thì tâm hồn cũng cần như thế. Thời gian là của Chúa ban, chúng ta cần dành những điều quý giá cho Chúa. Do Thái giáo có hai loại hy tế chính: Của lễ toàn thiêu và Hy tế hiệp thông, tương ứng với đời sống cầu nguyện của Kitô giáo:

- Hy tế toàn thiêu: Sử dụng hoàn toàn thời gian quý báu để dâng Chúa: Tham dự Thánh lễ, Viếng Thánh Thể, Môi Khôi, Đọc kinh sáng tối, Lần chuỗi chung trong gia đình… Nếu coi cầu nguyện là chính thì không làm việc gì khác khi cầu nguyện.

- Hy tế hiệp thông: Trong ngày sống bất cứ đang làm việc gì cũng có thể dâng lên Chúa để xin Ngài thánh hóa việc mình làm. Thánh Phaolô đã nói: “Dù ăn uống hay làm gì anh em hãy làm vì danh Chúa Kitô”. Làm dấu trước khi ăn. Cầu nguyện với Thiên thần bản mệnh và Đức Mẹ Phù Hộ trước khi đi đường. Lời nguyện tắt cầu cho các linh hồn. Tạ ơn Chúa khi ăn một miếng ngon, thấy một cảnh đẹp… Tất cả mọi việc làm đều có thể kết hợp thành kinh nguyện. Quảng đại dành thời gian cho Chúa, Chúa sẽ ban nhiều ơn. Thời khắc dành cho Chúa không bao giờ đi vào quên lãng, đó là kho tàng trên trời của chúng ta. Hãy dạy cho con cái cháu chắt thực hành điều này. Xin cho chúng ta biết sắp xếp thời gian dâng lên Chúa, làm mọi việc vì lòng yêu mến Chúa.”

Kết thúc bài giảng, Lm Giuse đọc các lời cầu nguyện ngắn. Sau mỗi lời nguyện, cộng đoàn cùng cất tiếng hát bài “Để Chúa Đến”.

Ngày thứ 3: Hiệp thông với Tha nhân.

Lm Giuse chia sẻ 3 điều cần làm:

1/ Yêu thương kẻ thù: Khó thực hành nhưng có thể thực thi Đức Ái Kitô để biến kẻ thù thành bạn. Chúa Giêsu đã dạy và đã nêu gương trên thập giá để chúng ta không coi ai là kẻ thù mà chỉ biết yêu thương. Thể hiện lòng yêu mến Chúa bằng cách yêu tha nhân.

2/ Quy luật Bạc: Điều gì mình không muốn người ta làm cho mình thì đừng làm cho người ta. Không nói hành nói xấu, nhăn nhó, mà hãy vui tươi. Không ganh tỵ khi người khác thành công. Không vui khi thấy người khác bị hoạn nạn. Không chủ ý làm điều xấu cho người khác.

3/ Quy luật Vàng: Chúa Giêsu dạy muốn người khác làm điều tốt cho mình thì hãy chủ động làm điều tốt cho người ta khi họ cần đến, như câu chuyện người Samaritano. Khó, nhưng đó là căn bản để trở nên hoàn thiện. Thói quen tốt được lập đi lập lại sẽ thành nhân đức. Làm sao để nói, hoặc làm bất cứ việc gì phải xuất phát từ lòng nhân ái. Dù đời có bạc như vôi ta cũng phải thêm sắc hồng quảng đại để ánh lên tia sáng Đức Ái. Xin Chúa Thánh Thần giúp ta hiểu hơn Lời Chúa để xác tín và đủ can đảm nghị lực để thực hiện 1 hoặc 2 điều tốt để dâng Chúa Hài Đồng trong ngày lễ Giáng Sinh sắp tới.

Kết thúc bài giảng, Lm Giuse đọc các lời cầu nguyện ngắn. Sau mỗi lời nguyện, cộng đoàn cùng cất tiếng hát bài “Nợ Tình Thương”.
Cuối Thánh lễ, ông Chủ tịch HĐMVGX thay mặt cộng đoàn cảm ơn cha giảng phòng đã giúp cho cộng đoàn những bài giảng súc tích và những câu chuyện thực tế hợp với chủ đề để mọi người chuẩn bị tâm hồn đón mừng đại lễ Chúa Giáng Sinh.

Tiếp lời ông Chủ tịch, Lm Chánh xứ Giuse Phạm Quốc Tuấn đã giới thiệu cha giảng phòng là ca sĩ Đăng Linh. Ngài mời Lm ca sĩ trình diễn một bài. Cộng đoàn dân Chúa vỗ một tràng pháo tay nồng nhiệt để tán đồng ý kiến của cha sở.

Đáp từ, Lm Giuse cảm ơn Lm Chánh xứ và Giáo xứ đã tạo điều kiện cho ngài đến với cộng đoàn. Ngài chúc các Lm nhà xứ và cộng đoàn được một mùa Giáng Sinh An Lành và Bình An. Tiếp theo, ngài đã trình diễn bài hát “Đêm Noel” trước khi ban phép lành kết thúc Thánh lễ lúc 19g10.

Trong chiều tối ngày tĩnh tâm thứ ba, bắt đầu từ 18g cộng đoàn Giáo xứ đã tìm đến các tòa Hòa Giải để giao hòa với Chúa, hầu có thể chuẩn bị tâm hồn sẵn sàng đón mừng ngày đại lễ.

Bài & Ảnh: Tóc Ngắn (TGPSG)
https://tgpsaigon.net/bai-viet/giao-xu-thi-nghe-ba-ngay-tinh-tam-mua-vong-2022-67751



 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC