- 13/12/2020
- 1261 lượt xem
- Thông báo
Bản tin Tháng 12/2020 LỊCH SINH HOẠT MỤC VỤ THÁNG 12/2020 MỘT SỐ NGÀY LỄ TRONG THÁNG CẦN GHI NHỚ[1] ...
Bản tin
Tháng 12/2020
LỊCH SINH HOẠT MỤC VỤ THÁNG 12/2020
MỘT SỐ NGÀY LỄ TRONG THÁNG CẦN GHI NHỚ[1]
-
Thánh Phanxicô Xavie, Linh Mục, bổn mạng các xứ truyền giáo, lễ kính (03/12).
Sinh tại Pampelune (Navarre) năm 1506, qua đời ở Thượng Xuyên (Trung Quốc) ngày 3.12.1552.Thánh Phanxicô Xavier sinh ngày 7.4.1506 tại lâu đài Xavier trong một gia đình quyền quý của vương quốc Navarre nhỏ bé miền bắc nước Tây Ban Nha ngày nay. Khi ngài 5 tuổi, nước Tây Ban Nha thôn tính và sát nhập Navarre, khiến gia đình ngài lâm cảnh nước mất nhà tan. Muốn tiến thân bằng con đường trí thức, năm 17 tuổi ngài đến Paris học (1525-1536).
Tại Paris, ngài sống trong cùng một căn phòng với chân phước Phêrô Favre và sau đó, với thánh I-nhã. Lần lượt Phêrô Favre rồi Phanxicô Xavier được thánh I-nhã thu phục. Năm 28 tuổi, ngài cùng với nhóm bạn của thánh I-nhã khấn sống khó nghèo, khiết tịnh và làm việc tông đồ. Năm 31 tuổi, ngài chịu chức Linh Mục tại Venezia miền đông bắc nước Ý năm 1537. Năm 35 tuổi, ngài xuống tàu đi truyền giáo ở vùng Đông Á theo lệnh Đức Thánh Cha Phaolô III.
Tháng 4 năm 1541 ngài xuống tàu tại Lisbon và mãi 14 tháng sau mới đến được Goa bên Ấn Độ. Trong suốt 10 năm truyền giáo (1542-1552) ngài đã đi cả trăm ngàn cây số. Trong 7 năm đầu, ngài truyền giáo ở vùng mũi Cormorin, sau đó ở Ceylan, Malaisia và từ đó đến Indonésia. Là vị Giám tỉnh đầu tiên của tỉnh dòng đầu tiên ngoài Châu Âu, ngài yêu mến và gắn bó keo sơn với Chúa Giêsu, tha thiết với Dòng và anh em trong Dòng, kính trọng và tuân phục thánh I-nhã, nhiệt thành lạ lùng với việc tông đồ. Ngài đã rửa tội cho hàng trăm ngàn tân tòng và gầy dựng nhiều cộng đoàn tín hữu khắp nơi. Thành quả tông đồ của ngài đã tạo nên một đỉnh cao trong lịch sử truyền giáo của Hội Thánh.
Trong vòng 2 năm (1549-1551) ngài đã thành lập một cộng đoàn tín hữu ở Nhật bản; trước khi ra đi, ngài trao lại cho một Linh Mục Bồ Đào Nha; 20 năm sau cộng đoàn này đã lên đến 30 ngàn người. Cuối cùng vì muốn vào Trung Hoa truyền đạo, ngài đã đến đảo Thượng Xuyên ngay cửa khẩu Quảng Châu, để chờ thuyền lén lút đưa ngài vào Trung Quốc. Tiếc rằng, tại đây ngài ngã bệnh và qua đời trong một chòi tranh chỉ có anh thành niên trẻ thông dịch viên bên cạnh. Vài tuần lễ sau, người ta từ Goa đến tìm xác ngài, đem về Goa để chôn cất.
Thánh Phanxicô qua đời ngày 3.12.1552, được Đức Thánh Cha Grêgôriô XV tuyên thánh cùng với thánh I-nhã vào năm 1622 và được đặt làm bổn mạng các xứ truyền giáo.
Thánh Phanxicô Xavier là vị truyền giáo vĩ đại, người tiên phong cho cuộc truyền giáo thời mới. Ngài hoà nhập vào dân mà ngài muốn mang Tin Mừng đến; ngài sống nghèo với những người lao động. Ngài hoạt động thật năng nổ cho cuộc truyền đạo và kích thích được tinh thần này ở Âu Châu. Hàng nghìn người đã theo gương ngài để mang Tin Mừng đi muôn phương.
-
Thánh Ambrôsiô, Giám Mục, tiến sĩ Hội Thánh, lễ nhớ (07/12).
Sinh tại Trier năm 340. Qua đời tại Milan ngày 4.4.397.
Ambrôsiô sinh năm 340 tại Trier nước Đức, trong một gia đình viên chức cao cấp của đế quốc La Mã. Trưởng thành, ông phục vụ trong nhà nước và trở thành Tổng Đốc hai miền Liguria và Emilia phíc bắc nước Ý.
Vào năm 374 vị Giám Mục Auxence của địa phận Milan qua đời; vị này theo giáo phái Arius, nên khi bầu vị Giám Mục mới, giáo dân chia làm hai phe kình chống nhau kịch liệt, gây hổn loạn có thể đổ máu. Ambroisiô lấy quyền của hoàng đế đến can thiệp. Ông lấy lời khuyên bảo để tái lập sự hoà hợp giữa địa phận đang chia rẻ. Tất cả mọi người đều thấy Ambroisiô là người có khả năng, nên đồng thanh la to: “Ambroisiô phải làm Giám Mục!” và đưa kiến nghị lên hoàng đế. Hoàng đế chấp thuận và trong những tuần kế tiếp, Ambroisiô, vì còn đang trong thời kỳ dự tòng, nên lần lượt lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, chức Linh Mục và chức Giám Mục ngàu 7.12.374 (thánh lễ hôm nay kỷ niệm ngày thánh nhân lãnh chức Giám Mục).
Thánh nhân đã dùng hết khả năng của mình để phục vụ Hội Thánh:
– Ngài bản vệ Giáo Hội Milan chống lại những đòi buộc của hoàng hậu Justina, bảo trợ nhóm Arius;
– Chống lại những cuộc tấn công của Nhà Nước vào lãnh vực của Hội Thánh (“Hoàng đế đứng trong Hội Thánh, chứ không trên Hội Thánh”);
– Phục vụ giáo dân (trong đó có Augustinô) bằng những bài giảng và giải thích Thánh Kinh;
– Trứ tác thánh thi và theo gương của anh em Chính Thống đem sử dụng ngay trong phụng vụ Latinh;
– Ngài là người đại diện và đòi hỏi cuộc sống khổ hạnh;
– Ngài nhiệt thành tôn kính Đức Maria và luôn luôn đem Đức Trinh Nữ làm mẫu gương cho các trinh nữ tận hiến cho Thiên Chúa (các nữ tu).
Ngài qua đời ngày 4.4.397 tại Milan. Chúng ta phải công nhận, ngài là ánh sao sáng của thời đại ngài và xứng đáng được gọi là thánh giáo phụ của Giáo Hội Latinh, bên cạnh các thánh Augustinô, Hiêrônimô và thánh Giáo Hoàng Lêô Cả.
-
Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, lễ trọng (08/12)
Tín điều về “Đức Trinh Nữ Maria ngay từ thuở ban đầu đã được gìn giữ khỏi tội nguyên tổ”, qua thời gian càng ngày càng rõ rệt.
Thánh Kinh không chỗ nào nói rõ điểm này cả, nhưng Hội Thánh qua thời gian (Thánh Truyền) đã hiểu những lời Thánh Kinh và giải thích: Đức Maria là thụ tạo trong sạch nhất và có thể nói “thành công” nhất của Thiên Chúa. Đức Maria được ví như EVA Mới, không vươn nhiễm đến tội và trở thành “Mẹ của chúng sinh”.
Dù vậy chúng ta phải nắm vững: 1. Đức Maria cũng được sinh ra một cách bình thường như mọi người khác. 2. Đức Maria được hưởng hồng ân lớn lao này là nhờ Đức Giêsu Kitô, qua công nghiệp của cái chết thập giá cứu độ của Người.
Về Phụng Vụ, chúng ta đã thấy có những thánh lễ tôn kính Mẹ Vô Nhiễm từ thế kỷ thứ IX, bắt đầu từ Constantinople tràn sang miền Nam Ý và Sicile. Nhưng rõ nét nhất là thánh Anselmô thành Canterburry đã du nhập thánh lễ này vào giáo phận của ngài.
Vào năm 1476 Đức Giáo Hoàng Sixtus IV, xuất thân từ dòng Anh Em Hèm Mọn, đã đem thánh lễ này vào Giáo Hội La Mã. Ngày 8.12.1854 Đức Giáo Hoàng Piô IX trong Thông Điệp “Ineffabilis Deus” đã long trọng công bố tín điều “ĐỨC MARIA VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI” cho toàn thể Hội Thánh Công Giáo.
- Kỷ niệm cung hiến Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Saigòn (09/12).
Sơ lược lịch sử
09/12/1959, nhà thờ Chính toà Sàigòn được Toà thánh Vatican nâng lên hàng Vương Cung Thánh Đường và Đức Hồng Y Agagianian, đặc sứ của Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII, đã làm phép tượng Nữ Vương Hoà Bình đặt trong công viên trước nhà thờ, nhân dịp ngài tới Sài Gòn.
Vương Cung Thánh Đường là một tước hiệu Đức Giáo Hoàng ban cho một số nhà thờ đặc biệt. Có hai loại Vương Cung Thánh Đường: Đại và Tiểu Vương Cung Thánh Đường. Trong Giáo hội Công Giáo hiện nay, chỉ có bốn Đại Vương Cung Thánh Đường. Tất cả đều ở tại Roma. Đó là các nhà thờ thánh Gioan Latêranô, nhà thờ thánh Phêrô ở Vatican, nhà thờ thánh Phaolô ngoại thành và nhà thờ Đức Bà Cả. Các Tiểu Vương Cung Thánh Đường thì nhiều và không chỉ có ở Roma mà còn có ở các nơi khác nữa. Riêng tại Roma, có mười một Tiểu Vương Cung Thánh Đường. Tước hiệu này cũng được ban cho một số nhà thờ ngoài Roma. Tại Việt Nam, có hai nhà thờ được nâng lên hàng Vương Cung Thánh Đường nhân dịp thành lập hàng giáo phẩm Việt Nam vào năm 1960. Đó là nhà thờ Đức Bà Sàigòn và nhà thờ Đức Mẹ La Vang. Tháng 08 năm 2008, Đền thánh Đức Mẹ Vô Nhiễm Phú Nhai, giáo phận Bùi Chu, cũng đã được nâng lên hàng Vương Cung Thánh Đường. Tháng 12 năm 2011, nhà thờ Sở Kiện, giáo phận Hà Nội, trở thành Vương Cung Thánh Đường thứ tư của giáo hội Việt Nam.
Nhà thờ chính toà của Tổng giáo phận Sàigòn – Tp. HCM hiện nay nằm tại số 01 Quảng trường Công xã Paris, quận 1.
Sau khi được bổ nhiệm phụ trách giáo phận Sài Gòn, Đức Giám Mục Colombert đã nghĩ tới việc xây dựng một ngôi nhà thờ mới kiên cố, xứng đáng với vị trí của Sài Gòn lúc bấy giờ, thay thế cho ngôi nhà thờ chính toà được khởi đầu xây dựng vào cuối tháng 03 năm 1863, một nhà thờ bằng gỗ, lợp ngói và chỉ tồn tại được năm năm sau ngày khánh thành.
Cuối năm 1876, một cuộc thi vẽ kiểu và làm đồ án xây dựng Nhà thờ Chính toà cho nguy nga xứng hợp với đô thị Tây phương tại Á đông. Kiểu cách và đồ án của kiến trúc sư Bourard, một chuyên gia về các công trình kiến trúc tôn giáo, đã được lựa chọn trong số 18 đồ án xây dựng được đệ trình từ tháng 8 năm 1876. Được biết, đề án xây dựng các công trình quan trọng của thành phố trong thời điểm này thường được tuyển chọn trong một số đề án do các kiến trúc sư khác nhau thiết kế. Đức Giám Mục Colombert là người đặt viên đá đầu tiên (07/10/1877), và cũng là người cử hành nghi lễ khánh thành (11/04/1880) ngôi nhà thờ mới này. Sau khi qua đời, Đức cha Colombert đã được chôn ngay trong công trình mà ngài đã có công xây dựng nên.
Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Sài Gòn là một công trình kiến trúc theo phong cách Roman, kiểu kiến trúc thịnh hành tại châu Âu vào các thế kỷ XI và XII, có chiều dài 91m, rộng 35,5m, vòm mái cao 21m, chiều cao của hai tháp vuông kể từ đất là 36,6m, nều tính cả hai chóp tháp chuông do kiến trúc sư Gardès thêm vào năm 1885, thì chiều cao này sẽ là 57m. Lòng nhà thờ gồm ba gian và một hành lang quanh chính điện. Nhà thờ được trang trí với 56 cửa kính mầu mô tả các nhân vật hay sự kiện trong Thánh Kinh và là một trong những nét độc đáo của công trình kiến trúc này, 31 hình bông hồng tròn và 25 cửa sổ mắt bò, tất cả bằng hình trang trí ghép mảnh. Rất tiếc là tai ương, bom đạn, chiến tranh đã làm vỡ một số lớn kính mầu. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể hình dung được vẻ rực rỡ của buổi ban đầu từ số kính ghép mầu còn lại. Bên trong nhà thờ có một cây đàn đại phong cầm nhưng cây đàn trước hiện nay đã hư hỏng. Thay vào đó, năm 2005, nhân dịp khai mạc năm kỷ niệm 125 năm khánh thành nhà thờ Đức Bà, có người đã dâng cho nhà thờ một cây đàn ống khác.
Vài nét độc đáo của Vương Cung Thánh Đường
– Đồ án xây dựng Vương Cung Thánh Đường do kiến trúc sư J. Bourad, với kiến trúc theo kiểu Roman cải biên pha trộn nét Gothique đã được chọn, sau khi đã vượt qua 17 đồ án khác cùng dự thi.
– Trong quá trình xây dựng, toàn bộ vật liệu xây dựng từ xi măng, sắt thép đến ốc vít đều mang từ Pháp sang. Mặt ngoài của công trình xây bằng loại gạch đặt làm tại Marseille để trần, không tô trát, (đến nay vẫn còn màu sắc hồng tươi), không bám bụi rêu.
– Móng của thánh đường được thiết kế đặc biệt, chịu được tải trọng gấp 10 lần toàn bộ kiến trúc ngôi nhà thờ nằm bên trên. Và một điều rất đặc biệt, là nhà thờ không có vòng rào, hoặc bờ tường bao quanh như các nhà thờ quanh vùng Sài Gòn - Gia Định lúc ấy và ngay cả bây giờ.
– Nội thất thánh đường được thiết kế thành một lòng chính, hai lòng phụ tiếp đến là hai dãy nhà nguyện. Toàn bộ chiều dài thánh đường là 133m, tính từ cửa ngăn đến mút chót của phòng đọc kinh. Chiều ngang của hành lang là 35m. Chiều cao của thánh đường là 21m. Sức chứa của thánh đường có thể đạt tới 1.200 người.
– Nội thất thánh đường có hai hàng cột chính hình chữ nhật, mỗi bên sáu chiếc tượng trưng cho 12 vị thánh tông đồ. Ngay sau hàng cột chính là một hành lang với khá nhiều khoang có những bàn thờ nhỏ (hơn 20 bàn thờ) cùng các bệ thờ và tượng thánh nhỏ làm bằng đá trắng khá tinh xảo. Bàn thờ nơi Cung Thánh làm bằng đá cẩm thạch nguyên khối có hình sáu vị thiên thần khắc thẳng vào khối đá đỡ lấy mặt bàn thờ, bệ chia làm ba ô, mỗi ô là một tác phẩm điêu khắc diễn tả thánh tích.
– Nội thất thánh đường ban đêm được chiếu sáng bằng điện (không dùng đèn cầy) ngay từ khi khánh thành. Vào ban ngày, với thiết kế phối sáng tuyệt hảo, hài hòa với nội thất tạo nên trong nội thất thánh đường một ánh sáng êm dịu, tạo ra một cảm giác an lành và thánh thiện.
– Có tất cả 6 quả chuông lớn (sol, la, si, đô, rê, mi), gồm sáu âm, nặng tổng cộng 28,85 tấn, đặt dưới hai lầu chuông. Bộ chuông này được chế tạo tại Pháp và mang qua Sài Gòn năm 1879. Trên tháp bên phải treo 4 quả chuông (sol, si, rê, mi); tháp bên trái treo 2 chuông (la, đô). Trên mặt mỗi quả chuông đều có các họa tiết rất tinh xảo.
– Ba quả chuông to nhất là chuông si nặng 3.150 kg, chuông rê nặng 2.194 kg và đặc biệt là chuông sol là một trong những quả chuông lớn nhất thế giới: nặng 8.785 kg, đường kính miệng chuông 2,25m, cao 3,5m (tính đến núm treo). Ngày lễ và chủ nhật, nhà thờ thường cho đổ ba chuông. Vào ngày thường, thánh đường chỉ cho đổ một chuông mi hoặc rê vào lúc 5 giờ và 17g30. Chỉ vào đêm Giáng Sinh thì mới đổ cả 6 chuông. Tiếng chuông ngân xa tới 10 km theo đường chim bay.
– Tượng Đức Mẹ Hòa bình (hay Nữ vương Hòa bình). do nhà điêu khắc G. Ciocchetti thực hiện năm 1959. Tên của tác giả được ở trên tà áo dưới chân, phía bên trái của bức tượng. Bức tượng cao 4,6 m, nặng 5,8 tấn, bằng đá cẩm thạch trắng của Ý, được tạc với chủ đích để nhìn từ xa nên không đánh bóng, vì vậy mà toàn thân tượng, kể cả vùng mặt vẫn còn những vết điêu khắc thô. Tượng Đức Mẹ trong tư thế đứng thẳng, tay cầm trái địa cầu, trên trái địa cầu có đính cây thánh giá, mắt Đức Mẹ đăm chiêu nhìn lên trời như đang cầu nguyện cho Việt Nam và cho thế giới được hoà bình. Chân Đức Mẹ đạp đầu con rắn (mà hiện nay, đầu con rắn đã bị bể mất cái hàm trên). Trên bệ đá, phía trước bức tượng, người ta có gắn một tấm bảng đồng với hàng chữ Latinh:
REGINA PACIS - OPRA PRONOBIS - XVII. II. MCMLIX.
Nghĩa là:
NỮ VƯƠNG HÒA BÌNH - CẦU CHO CHÚNG TÔI - 17.02.1959
Phía dưới bệ đá, người ta đã khoét một cái hốc chỗ giáp với chân tượng Đức Mẹ, trong đó có một chiếc hộp bằng bạc, chứa những lời kinh cầu nguyện cho hoà bình của Việt Nam và thế giới. Những lời cầu nguyện đó được viết lên trên những lá mỏng bằng những chất liệu khác nhau như bằng vàng, bạc, thiếc, nhôm, giấy, da và đồng, được gởi tới từ nhiều miền của Việt Nam, kể cả từ một số vùng ngoài miền Bắc..
-
Thánh Gioan Thánh Giá, Linh Mục, tiến sĩ Hội Thánh, lễ nhớ (14/12).
Sinh gần Avila năm 1542, qua đời tại Ubeda (Andalousie) ngày 14.12.1591.
Juan de Yepes sinh ngày 24.6.1542 tại Fontiveros miền Castille nước Tây Ban Nha. Ngài là con thứ ba của ông Gonzaleo de Ypes và bà Catalina Alvarez. Khi Gioan lên 2 tuổi, ông bố qua đời; người mẹ, vì sinh kế, phải đem con đi tìm việc làm từ Arevalo, rồi đến Medina del Campo; nơi đây Gioan vào trường của các cha dòng Tên, đồng thời cậu cũng làm việc trong nhà thương để kiếm ít tiền túi. Nhưng Chúa đã kêu gọi Gioan.Gioan đã âm thầm gõ cửa đan việc Cát Minh để xin gia nhập. Năm 1563 Gioan nhận áo dòng Cát Minh với tên là thầy Gioan thánh Mathias. Thầy được gởi đi học triết và thần học ở Salamanca. Năm 1567 thầy Gioan thụ phong Linh Mục. Cũng chính trong năm đó, Têrêsa đệ Giêsu thiết lập đan viện Cát Minh thứ hai tại Medina. Gioan đã đi gặp Mẹ Têrêsa thành Avila và Mẹ đã tìm được một cộng tác viên trong việc canh tân dòng Cát Minh.Cuộc canh tân đem lại cho ngài nhiều đau khổ và bách hại. Gioan bỏ đan viện Medina để đến Duruelo, canh tân lối sống đan viện: ngài đi chân không và mặc áo khổ hạnh; đan viện bé nhỏ với 3 thầy đồng chí, tuyên hứa “sống theo luật nguyên thủy của thánh Albertô đã được Đức Thánh Cha Innocentê IV sửa chữa và chuẩn y”. Bắt đầu từ ngày 28.11.1568 nhà canh tân tự đặt cho mình tên “Gioan Thánh Giá”. Những người tìm hiểu dòng tuôn đến và Gioan trở thành vị linh hướng. Ngài canh tân các đan viện Mancera, Pastrana, rồi đến Alcalá năm 1571. Năm 1572 ngài phải trở lại Avila. Đêm 2.12.1577, sau khi họp Công Nghị, một nhóm Đan sĩ Cát Minh “mang giầy” tấn công nhóm “chân không” và xử sự họ như tội phạm. Gioan bị bắt đem về đan viện ở Tolèđô, nhốt vào phòng tối với kỷ luật của một kẻ chống đối luật dòng: cấm lãnh nhận các Bí Tích, hình phạt đổ máu, ăn chay khủng khiếp. Ngài đã chịu đựng những đêm dài cô đơn, nhưng mang lại rất nhiều hiệu quả cho đời sống thần bí của ngài. Vài ngày sau lễ Thăng Thiên, ngài xé áo dòng làm dây, thoát ra ngoài qua cửa sổ nhỏ. Ngài trốn về miền Andalousie, trú nơi các chị Cát Minh ở Béas, nơi đây ngài gặp Anne de Giêsu. Đây là thời gian ngày viết quyển “Đường lên núi Cát Minh”. Vào ngày lễ Chúa Ba Ngôi năm 1579, ngài dâng thánh lễ sốt sắng trong đan viện Béas.Thời gian này ngài trứ tác và thành lập các đan viện theo đường hướng canh tân: Cordoue, La Manchuela, Caravaca, Sévilla, năm 1587 Bujalance. Vào tháng 6 năm 1591, ngài bị chính các đan sĩ Cát Minh “chân không” nhốt ngài trong một góc nào đó ở Andalousie, một nơi xa vắng Ubeda, cách ly với tất cả mọi người. Thánh nhân qua đời trong sự cô đơn ngày 14.12.1591.Thánh nữ Têrêsa Cả gọi ngài là “một nhà trí thức lớn với nhiều kinh nghiệm và giáo dục”. Các tác phẩm tinh thần của ngài xác thực điều này. Tất cả các tác phẩm của ngài, đặc biệt là những quyển: Đường lên Núi Cát Minh, Đêm U tối, Thánh thi linh hứng, Ngọn lửa bùng cháy tình yêu...được gìn giữ trong kho tàng văn chương của Tây Ban Nha. Năm 1726 ngài được nâng lên hàng hiển thánh và năm 1926 Đức Thánh Cha Piô XI phong tặng ngài tước hiệu Tiến Sĩ Hội Thánh.
-
Thánh Stêphanô, tử đạo tiên khởi, lễ kính (26/12).
Thánh Stêphanô giữ một địa vị đặc biệt trong số 7 vị Phó Tế đầu tiên của Cộng Đoàn Giêrusalem (Cv 6,5). Như sách Công Vụ diễn tả, ngài là một con người đầy hồng ân, sức lực và tràn đầy Thánh Linh.
Ngài đáng lý phải lo việc bác ái giữa cộng đoàn, nhưng lại bước vào những cuộc tranh luận với ban lãnh đạo của cộng đồng Do Thái giáo Hy Hóa.Cuộc tranh luận đưa đến tranh cãi và chấm dứt với việc ngài bị điệu đến Công Nghị và bị kết án tử hình; theo phong tục Do Thái là hình phạt bị ném đá.Stêphanô là mẫu gương của các thánh tử đạo Kitô Giáo. Đường nét cái chết của thánh nhân cũng được vẽ theo khuôn cái chết của Chúa Kitô. Trước lúc chết: ngài công bố Đức Giêsu, Đấng chịu đóng đinh, là Đấng Mêssias, được nâng lên trong vinh quang của Thiên Chúa. Ngài thấy “CON NGƯỜI” ngự bên hữu Thiên Chúa và đã làm chứng cho Chúa Giêsu bằng lời và bằng chính máu đào của mình.
-
Các thánh anh hài, tử đạo, lễ kính (28/12).
Trình thuật về việc giết các em bé chỉ có ở Mátthêu 2,16-18. Mátthêu trình bày Chúa Giêsu là một Môisen Mới. Vị Môisen này cũng phải trải qua hoàn cảnh tương tự như Môisen cũ. Như Môisen đã thoát chết khỏi bàn tay Pharaon vô đạo như thế nào, thì Chúa Giêsu cũng đã thoát chết khỏi tay Herôđê vô đạo như vậy.Mát-thêu nhìn việc tàn sát trẻ thơ ở Bếtlehem là điềm ứng nghiệm lời ngôn sứ Giêrêmia 31,15. Về Phụng Vụ, từ thế kỷ thứ V đã có một ngày lễ kính các thánh Anh Hài tử đạo gắn liền với dịp lễ Giáng Sinh. Césarius thành Arlès, Augustinô và nhiều giáo phụ khác đã ca ngợi các vị tử đạo tí hon này: không những các em là nhân chứng cho Chúa Giêsu, hơn thế nữa, các em chết thay cho Người.
Ý KIẾN BẠN ĐỌC