Slide background
Giáo xứ Thị Nghè
HIỆP NHẤT - YÊU THƯƠNG - ĐỒNG TRÁCH NHIỆM
Slide background
Slide background
Slide background
Slide background
Slide background
Slide background
Slide background
Slide background
Sắc lệnh của Tòa Ân Giải Tối Cao về Ơn Toàn Xá trong tháng các linh hồn 2020 J.B. Đặng...

Sắc lệnh của Tòa Ân Giải Tối Cao
về Ơn Toàn Xá trong tháng các linh hồn 2020

J.B. Đặng Minh An dịch 24/10/2020 Ngày 23 tháng 10, Tòa Ân Giải Tối Cao đã công bố sắc lệnh sau.
Năm nay, trong tình huống khẩn cấp hiện tại do đại dịch “COVID-19”, các ơn Toàn Xá cho các tín hữu đã qua đời sẽ được kéo dài trong cả tháng 11, cùng với việc điều chỉnh các việc đạo đức và các điều kiện để bảo đảm an toàn cho các tín hữu. Tòa Ân Giải Tối Cao này đã nhận đƣợc không ít những lời thỉnh cầu của các Mục tử Thiêng liêng, những vị đã yêu cầu rằng năm nay, vì đại dịch “COVID-19”, các việc đạo đức theo tiêu chuẩn của Sách Cẩm nang Ân xá (điều 29, triệt 1) để nhận lãnh các ơn Toàn Xá nhường cho các linh hồn trong Luyện Ngục, nên có sự điều chỉnh. Do đó, Tòa Ân Giải Tối Cao, theo sự ủy nhiệm đặc biệt của Đức Thánh Cha Phanxicô, sẵn sàng thiết lập và quyết định rằng trong năm nay, để tránh các cuộc tụ tập ở những nơi không được phép:
a.- Ơn Toàn xá dành cho những ngƣời đến viếng một nghĩa trang và cầu nguyện cho người đã khuất dù chỉ trong trí, như đã được quy định trong Cẩm nang trong mỗi ngày từ ngày 1 đến ngày 8 tháng 11, có thể được chuyển sang các ngày khác trong cùng tháng cho đến cuối tháng. Những ngày như thế, do các tín hữu tự do lựa chọn, cũng không cần kế tiếp nhau;
b. - Ơn Toàn xá ngày 2 tháng 11, được thiết lập nhân dịp Lễ Cầu Cho Các Tín Hữu Đã Qua Đời, dành cho tất cả những ai sốt sắng đến thăm một Nhà thờ hoặc một Nhà Nguyện và đọc ở đó “Kinh Lạy Cha” và “Kinh Tin Kính”, có thể được chuyển sang Chúa Nhật trước hoặc Chúa Nhật sau hoặc sang ngày Lễ Trọng Kính Các Thánh Nam Nữ, và cũng có thể chuyển sang một ngày khác trong tháng 11, do các tín hữu tự do lựa chọn. Những người già, người bệnh và tất cả những người vì lý do nghiêm trọng không thể rời khỏi nhà mình, do những hạn chế được áp đặt bởi các cơ quan có thẩm quyền trong thời gian xảy ra đại dịch, nhằm tránh việc tụ tập đông đảo các tín hữu ở những nơi linh thiêng, sẽ có thể nhận được Ơn Toàn Xá. Điều kiện để nhận được Ơn Toàn Xá là họ hiệp nhất về mặt tinh thần với tất cả các tín hữu khác, hoàn toàn từ bỏ tội lỗi và có ý định tuân thủ càng sớm càng tốt ba điều kiện thông thường là Xưng tội, Rước lễ và Cầu nguyện theo Ý Đức Thánh Cha. Họ được khuyến khích cầu nguyện trước tượng ảnh Chúa Giêsu, Đức Trinh Nữ Maria, đọc những kinh nguyện sốt sắng dành cho người chết, ví dụ như Kinh Sáng và Kinh Chiều từ Sách Thần Vụ dành cho người quá cố, Chuỗi Mân Côi, Kinh Lòng Thương Xót Chúa, những kinh nguyện khác cho những người thân yêu nhất đã qua đời của các tín hữu hoặc dành thời gian để suy gẫm một trong những đoạn Phúc âm được đề nghị trong Phụng vụ dành Người Quá Cố, hoặc thực hiện công việc của lòng thương xót, dâng lên Chúa những nỗi đau và những khó khăn của cuộc đời họ.
Để giúp anh chị em có thể dễ dàng nhận được ân sủng hơn nhờ lòng bác ái mục vụ của các mục tử, Tòa Ân Giải Tối Cao này chân thành cầu nguyện xin cho tất cả các linh mục với các năng quyền phù hợp, có thể quảng đại hy sinh một cách đặc biệt để cử hành Bí Tích Hòa Giải và trao Mình Thánh Chúa cho các bệnh nhân.
Tuy nhiên, liên quan đến các điều kiện thiêng liêng để được lãnh nhận Ơn Toàn xá một cách đầy đủ, xin nhắc nhở mọi người hãy dựa vào những chỉ dẫn đã được ban hành trong Ghi chú “Về Bí Tích Hòa Giải trong hoàn cảnh đại dịch hiện nay”, do Tòa Ân Giải Tối Cao ban hành ngày 19 tháng 3 năm 2020. Cuối cùng, để các linh hồn trong Luyện ngục được giúp đỡ nhờ lời chuyển cầu của các tín hữu và đặc biệt là nhờ Hy tế trên Bàn thờ, là điều đẹp lòng Thiên Chúa (xem Conc. Tr. Sess. XXV, decr. De Purgatorio), tất cả các linh mục đều được nhiệt liệt mời gọi cử hành Thánh Lễ ba lần trong ngày Lễ Cầu Cho Các Tín Hữu Đã Qua Đời, như trong chuẩn mực của Tông Hiến “Incruentum Altaris”, do Đức Giáo Hoàng đáng kính Bênêđictô XV ban hành vào ngày 10 tháng 8 năm 1915. Sắc lệnh này có hiệu lực trong suốt tháng 11, bất chấp mọi quy định ngược lại.
Ban hành tại Rôma, từ trụ sở của Tòa Ân Giải Tối Cao, vào ngày 22 tháng 10 năm 2020, Lễ Nhớ Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.
+ Đức Hồng Y Maurus Piacenza
Chánh Tòa Ân Giải Tối Cao
Đức Ông Krzysztof Nykiel
Nhiếp chính

 

__________________________________________________

MỘT SỐ NGÀY LỄ TRONG THÁNG CẦN GHI NHỚ

  1. Các thánh nam nữ, lễ trọng (01/11).

Lễ các thánh nam nữ đã có từ thế kỷ thứ IV. Thánh Ephraim người Syrie và thánh Gioan Kim Khẩu đều biết đến một ngày lễ mừng các thánh tử đạo vào ngày 13.5 hằng năm, hay rõ hơn là Chúa Nhật thứ nhất sau lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống. Lễ này vẫn còn trong lịch phụng vụ của Giáo Hội Hy Lạp và được gọi là Chúa Nhật chư thánh.
Trong Giáo Hội Tây Phương cũng có một thánh lễ từ thế kỷ thứ VII, lễ toàn thể các thánh tử đạo mừng vào ngày 13.5. Đó là ngày lễ thánh hiến đền Panthéon của Rôma, để kính Đức Trinh Nữ Maria và toàn thể các thánh tử đạo vào ngày 13.5.609.
Lễ chư thánh (toàn thể các thánh, chứ không dành riêng cho các thánh tử đạo) được mừng vào ngày 1.11 hằng năm, chỉ xuất hiện từ thế kỷ thứ VIII do các thầy Dòng Irland và Anh Quốc, khi sang truyền giáo ở Âu Châu đã đem theo và trong thời gian ngắn đã phổ biến rộng khắp Âu Châu.

  1. Cầu cho các tin hữu đã qua đời (02/11).

Lễ cầu cho các tín hữu đã qua đời được cử hành vào ngày 02 tháng 11 hằng năm, được thánh đan viện phụ Odilô của tu viện Cluny (994-1048) khai sáng. Trong ngày đó, ngài ra lệnh các Linh Mục thuộc dòng Cluny phải dâng thánh lễ để cầu nguyện cho tất cả những người trong dòng và các ân nhân của dòng đã qua đời. Ngài ra lệnh cho các đan viện trực thuộc Cluny cũng thực hành như thế. Chúng ta còn giữ được văn kiện của thánh Odilô ghi vào năm 998.
Sau đó, lễ cầu cho các linh hồn phát triển rất nhanh và bung ra khỏi dòng tu. Từ thế kỷ thứ XIV chúng ta đã gặp thánh lễ này trong phụng vụ Rôma.

  1. Thánh Carôlô Borrômêô, Giám Mục, lễ nhớ (04/11).

Sinh tại Arona năm 1538, qua đời tại Milan ngày 3.11.1584.
Sau thánh Ambrôsiô thì thánh Carôlô Borômêô là vị Giám Mục nổi tiếng thứ hai của địa phận Milan, một gương mặt nổi bật trong phong trào Canh Tân ở thế kỷ XVI trong Hội Thánh.
Ngài sinh năm 1538 ở lâu đài Arona gần Lago Maggiore, con của quận công Bilbertô Borromeo và bà mẹ quý tộc Margherita Medici. Khi người cậu ruột là Ange de Medicis lên ngôi Giáo Hoàng lấy hiệu là Piô IV (1559-1565), ngài được cậu chọn làm thư ký riêng, lúc Carôlô vừa được 21 tuổi và vừa đậu bằng tiến sĩ luật. Năm 1560 Carôlô đội mảo Hồng Y cai quản địa phận Milan và các dòng tu chung quanh, với chức vụ này, Carôlô thu nhận hằng năm được 52.000 đồng tiền vàng hoa lợi. Năm 1563 ngài nhận chức Linh Mục và Giám Mục.Thực sự Carôlô có một cuộc chuyển biến nội tâm từ khi anh mình qua đời vào năm 1562. Ngài trở thành con người làm việc không biết mệt mỏi và là con người cầu nguyện. Thư viện Ambrosiô hiện nay còn giữ 100 quyển sách dầy chứa đựng những thư từ của ngài. Ngài có công rất lớn trong Công Đồng chung Tridentinô (1545-1563). Từ năm 1566, ngài cố gằng thực thi các chỉ thị của Công Đồng Tridentinô trong giáo phận của mình. Ngài canh tân hàng giáo sĩ và việc mục vụ nhờ qua các công nghị, thăm viếng và thành lập chủng viện. Ngài loại bỏ mọi sự lạm dụng trong giáo hội, luôn chăm sóc người nghèo và bệnh nhân, nhất là năm bị dịch tả 1576. Vào tháng 10.1584, ngài cấm phòng thường niên ở Monte Varallo. Khi trở về Milan, ngài mệt lã; các bác sĩ xác định ngài đã làm việc đến kiệt lực. Ngài qua đời ngày 3.11.1584, vừa được 46 tuổi.

  1. Cung hiến thánh đường Latêranô, Lễ kính (09/11).

Đại thánh đường Latêranô được dâng kính Đấng Cứu Thế và từ thế kỷ XII cũng được dâng kính Thánh Gioan Tẩy Giả, là nhà thờ cổ nhất của Đức Giáo Hoàng, được mang danh là “Mẹ và là Đầu của mọi nhà thờ trên thế giới”.
Sau khi chiến thắng các đối thủ tranh giành ngai hoàng đế, Constantin đã ký sắc lệnh Milanô vào năm 313 công nhận Kitô giáo là một tôn giáo hợp pháp trên đế quốc La Mã. Thế là các tín hữu lục tục từ các hang toại đạo bước vào xã hội công khai, không còn sợ bắt bớ nữa. Hoàng đế Constantin làm một cử chỉ đẹp: nhường cung điện ở đồi Latran cho các Giáo Hoàng làm nơi trú ngụ. Năm 324 Đức Giáo Hoàng Sylvester I đã thánh hiến đại thánh đường; các vị Giáo Hoàng sau này cư ngụ nơi đây cho đến thế kỷ thứ XIV, sau đó mới dời về Vatican, cạnh đền thờ thánh Phêrô. Đây cũng là Vương Cung Thánh Đường của giáo phận Rôma, lý do: ngai toà của vị Giám Mục Rôma được đặt tại đây.
Đền thờ này được gọi là “mẹ các nhà thờ” vì là nhà thờ đầu tiên được chính quyền hợp pháp công nhận trên đế quốc La Mã và vì cũng là nhà thờ chính toà của địa phận Rôma, nơi đó có ngai toà của Đức Giáo Hoàng. Qua các trận hỏa hoạn, động đất và càn quét của man dân, của Đức, của Pháp...đại thánh đường Lateranô phải tái thiết lại nhiều lần. Ngày 28.4.1726 sau một công trình tái thiết lớn, Đức Bênêđíctô XIII đã thánh hiến lại và công nhận ngày 9.11 là ngày thánh hiến Đền Thờ.

  1. Thánh Martinô, Giám Mục, lễ nhớ (11/11).

Sinh tại Szombathkely (Hungarie) khoảng năm 316, qua đời tại Candes (Indre-et-Loire) ngày 8.11.397.
Thánh Martin sinh năm 316 ở Sabaria ngày nay là Szombathkely xứ Hungarie. Năm 15 tuổi đã xung vào đội kị binh La Mã, sau đó chuyển qua phương Tây.
Ngay cổng thành Amiens, ngài đã cắt vạt áo choàng binh sĩ của mình để tặng cho một người ăn xin sắp chết cóng vì rét. Ban đêm, Chúa Giêsu hiện ra với ngài và Chúa đang đắp nửa mảnh áo mà ngài đã tặng cho người nghèo lúc ban sáng.

Năm 18 tuổi, ngài xin lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, nhưng vẫn còn phục vụ trong quân đội La Mã. Sau khi từ giả binh nghiệp, ngài đi gặp Giám Mục Hilariô thành Poitiers; vị Giám Mục này đã sai ngài trở lại quê hương. Năm 360, ngài gặp lại Hilariô. Năm 361 ngài thành lập ở Ligugé tu viện đầu tiên ở miền Gallien, nước Pháp. Năm 371 ngài được chọn làm Giám Mục thành Tours. Năm 375 ngài thành lập tu viện Marmoutier trên sông Loire. Tu viện này đã trở thành trung tâm văn hóa và là điểm xuất phát các cuộc truyền giáo.

Thánh Martin luôn chú tâm vào việc truyền giáo cho dân ngoại. Ngài qua đời ngày 8.11.397 và ngày 11.11 được chôn cất ở đại thánh đường Tours. Mộ ngài trở thành nơi hành hương của dân Franken. Martin là vị thánh đầu tiên được Hội Thánh nâng lên hàng hiển thánh mà không phải đổ máu chết vì đạo.

Sulpicius Severus, người viết tiểu sử thánh Martin, tường trình với chúng ta: “Dù ngài đọc sách hay làm bất cứ việc gì, tinh thần ngài vẫn hướng lòng cầu nguyện. Như người thợ rèn vẫn luôn đập búa xuống đe, Martin cầu nguyện không ngừng... Nơi miệng ngài không ngớt lời nói về Chúa Kitô, thâm tâm ngài chỉ chứa đầy nhân từ, bình an và bác ái”.

  1. Thánh Jôsaphát, Giám Mục, tử đạo, lễ nhớ (12/11) .

Sinh tại Wladimir năm 1580, qua đời tại Vitebsk ngày 12.11.1623.Thánh Josaphat Kunzewitseh sinh năm 1580, con ông cố vấn thành phố Wlodzimierz (Wolhynien), xứ Ba Lan. Ngài làm trợ tá cho một thương gia và đến Wilna. Nơi đây, ngài xin gia nhập dòng tu Basiliô và bước vào Giáo Hội Ruthénie là giáo hội hiệp nhất với Rôma. Năm 1614 ngài trở thành Bề Trên dòng ở Wilna. Năm 1617 ngài làm Giám Mục phụ tá cho Tổng Giám Mục ở Polozk và năm sau trở thành người kế vị.

Vì ngài luôn cố gắng cho vấn đề hiệp nhất với Giáo Hội Rôma, nên nhiều người theo Chính Thống Giáo hận thù ngài. Họ gọi ngài là “Tên đạo tặc các linh hồn”. Trên đường kinh lý mục vụ vào năm 1623 một nhóm ly giáo xông vào và giết ngài cách dã man. Ngài được tuyên chân phước năm 1643, và được nâng lên hàng hiển thánh năm 1867.

  1. Thánh nữ Êlisabét Hunggari, lễ nhớ (17/11) .

Sinh năm 1207, qua đời tại Marburg (Hessen) ngày 17.11.1231.
Thánh nữ sinh năm 1207, là công chúa của André II, vua nước Hungarie. Theo tục lệ đương thời, thánh nữ được cha mẹ đính hôn với con trai của bá tước miền Thuringen. Khi lên 4, Êlisabét phải bỏ gia đình sang Thuringen để được hoàng hậu Sophie, sau này là bà mẹ chồng, giáo dục. Khi bà lên 14 tuổi, hoàng tử mới làm lễ thành hôn và lên ngôi lấy tên là Ludwig IV của Thuringen.
Mặc dầu sống trong cảnh lầu son gác tía, trong sự kính trọng của mọi người, bà vẫn không để cho tâm hồn bị các sự phù vân thế tục lôi cuốn. Bà vẫn giữ được tinh thần đơn sơ khiêm hạ. Bà dành nhiều thời giờ cho việc cầu nguyện và suy gẫm. Tính tình hiền hậu, bà đối xử khoan dung với hết mọi người. Nhưng Chúa lại mang cho bà nhiều thử thách.
Cuộc hôn nhân của bà chỉ kéo dài có 6 năm, đem lại 3 đứa con. Khi bà vừa lên 20 tuổi, vua Ludwig IV, chồng bà, chết trên đường Thập Tự Chinh. Thế là bắt đầu cuộc đời gian khổ! Em chồng là Henri lên kế vị, đã trục xuất bà và các con ra khỏi hoàng cung. Bơ vơ, bà phải dẫn con tạm trú trong chuồng ngựa và ăn xin để nuôi con. Trong hoàn cảnh đó, bà vẫn chấp nhận.
Khi đoàn viễn chinh trở về, quan quân bắt Henri phải trả ngôi lại cho cháu. Bà được trở lại hoàng cung, nhưng không màng tới; bà ở trong căn nhà gỗ lụp xụp gần tu viện Phanxicô, vì bà xin gia nhập Dòng Ba, để sống trọn vẹn đời thanh bần và chiêm niệm. Bà qua đời ngày 17.11.1231 khi mới vừa 24 tuổi.
Năm 1235 Đức Thánh Cha Grêgôriô IX đã phong bà lên hàng hiển thánh.

  1. Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ, lễ nhớ (21/11) .

Nguồn gốc thánh lễ hôm nay là ngày thánh hiến một giáo đường tôn kính Đức Trinh Nữ Maria tại Giêrusalem. Thánh lễ này đã có từ thế kỷ thứ VI trong Giáo Hội Đông Phương và được mừng kính như một lễ về Đức Mẹ. Việc Mẹ Thiên Chúa bước vào Đền Thờ, có nghĩa là việc ông Gioakim và bà Anna, cha mẹ của Đức Trinh Nữ, đem và dâng Đức Maria cho Thiên Chúa trong Đền Thờ.
Truyền thuyết này dựa theo quyển ngụy thư “Tiền Phúc Âm của thánh Giacôbê”. Giáo Hội Rôma phủ nhận thánh lễ này lúc ban đầu, vì nội dung không đúng tập tục của Thánh Kinh, nhưng từ thế kỷ XIV lại đón nhận và phổ biến rộng rải.
Việc Đức Mẹ dâng mình vào Đền Thờ cũng là một vấn đề còn nhiều tranh luận. Đúng hơn, chúng ta phải hiểu, chính Đức Maria là Đền Thờ sống động của Thiên Chúa. Qua tiếng thưa vâng để đáp lại ơn gọi, Đức Maria trở thành đền thánh của Thiên Chúa, là thành Giêrusalem viên mãn và là Mẫu mực của Hội Thánh Chúa Kitô.

  1. Thánh Anđrê, Tông Đồ, Lễ kính (30/11).

Thánh Anđrê xuất thân từ Bếtsaiđa và là ngư phủ. Trước tiên, ngài là môn đệ của Gioan Tẩy Giả; sau khi nghe lời giới thiệu của Thầy về “Chiên Thiên Chúa”, ngài theo Chúa Giêsu, trở thành môn đệ (Ga 1,35-40) và thuộc vào Nhóm MƯỜI HAI.
Ngài đã thu phục được người anh là Simon Phêrô về cho Chúa Giêsu (1,40-42). Trong phép lạ hóa bánh, ngài là người nói tiếng đầu tiên (6,8-9). Những người Hy Lạp đến với ngài để xin gặp Chúa (12,23).
Theo lưu truyền, thánh Anrê hoạt động ở vùng Biển Đen và Hy Lạp, rao giảng Tin Mừng và chịu tử đạo trên thập tự chéo hình chữ X ở Patras miền Achaia..

________________________________________________

LỊCH SINH HOẠT MỤC VỤ THÁNG 11/2020


1. Chúa Nhật (01/11), Lễ Các Thánh Nam Nữ, các Thánh Lễ lúc: Sáng: 5g00’ - 6g30’ - 8g00’. Chiều: 15g00’ - 16g30’ - 18g00’ - 19g30’.
2. Thứ hai (02/11), Lễ cầu cho các tín hữu đã qua đời, các Thánh Lễ tại nhà chờ Phục Sinh: Sáng: 5g00’ - 6g30’ - 8g00’. Chiều: 15g00’ - 16g30’ - 18g00’ - 19g30’.
* Các ngày trong tháng 11 khi viếng Đất thánh, Nhà Chờ Phục Sinh, đều được hưởng ơn toàn xá.
3. Thứ ba, 03/11, Lễ kính Thánh Martino de Porres, bổn mạng ban Caritas Giáo xứ Thị Nghè Thánh lễ lúc5h00 sáng. Kính mời cộng đoàn cùng tham dự.
4. Thứ Bảy (14/11) Lễ Các Thánh Tử đạo Việt Nam - Bổn
mạng Hội Đồng Mục Vụ giáo xứ . Thánh lễ mừng bổn mạng sẽ được cử hành vào lúc 18g00’. Kính mời cộng đoàn cùng tham dự.
5. Thứ sáu, 20/11, ca đoàn Cecilia mừng bổn mạng. Thánh lễ mừng lễ bổn mạng sẽ cử hành vào lúc 18g00’. Kính mời cộng đoàn cùng tham dự.
6. Thứ bảy, 21/11, lễ Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ, bổn mạng ca đoàn Phước An. Thánh lễ mừng bổn mạng lúc 5h00 sáng. Kính mời cộng đoàn cùng tham dự.
7. Chúa Nhật (22/11) Lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ, bổn mạng xứ đoàn Kitô Vua giáo xứ Thị Nghè. Thánh Lễ mừng bổn mạng sẽ được cử hành lúc 8h00. Kính mời cộng đoàn cùng tham dự.
8. Chúa Nhật (22/11) Lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ - bổn mạng ca đoàn Kitô Vua. Thánh Lễ mừng bổn mạng sẽ được cử hành lúc 15h00. Kính mời cộng đoàn cùng tham dự.


Ý KIẾN BẠN ĐỌC