- 28/09/2020
- 979 lượt xem
- Thông báo
SINH HOẠT MỤC VỤ GIÁO XỨ + Giờ lễ Chúa Nhật: Sáng: 5g00’ – 6g30’ – 8g00’. Chiều: 15g00’ –...
SINH HOẠT MỤC VỤ GIÁO XỨ
+ Giờ lễ Chúa Nhật:
Sáng: 5g00’ – 6g30’ – 8g00’.
Chiều: 15g00’ – 16g30’ – 18g00’ – 19g30’
+ Giờ lễ ngày trong tuần:
Sáng: 5g00’ - Chiều: 15g00’ Lễ Kính Lòng Thương Xót Chúa Chiều: 18g00’
(Riêng chiều thứ Ba, lúc 18h, thánh lễ được cử hành tại Nhà Chờ Phục Sinh).
Hằng ngày vào lúc 15g00’: Thánh lễ Kính Lòng Thương Xót Chúa tại Phòng thánh tích Giáo Hoàng Gioan Phaolo II.
+ Chầu Thánh Thể:
- Thứ Sáu tuần thứ ba trong tháng, sau lễ chiều (giờ Chầu chung của cộng đoàn giáo xứ).
- Sáng Chúa Nhật tuần IV trong tháng, sau thánh lễ thiếu nhi (giờ Chầu thiếu nhi).
- Chầu cá nhân từ 5g30’ đến 21g00’ tại Nhà Chầu Thánh Thể.
+ Rửa tội trẻ em: Chúa Nhật đầu tháng lúc 9g15’.
+ Giải tội:
- Sáng thứ Ba, thứ Năm, thứ Bảy : sau thánh lễ.
- Chiều thứ Bảy hằng tuần : từ 14g30’.
- Thiếu nhi: sau thánh lễ:
- Chiều các ngày thứ năm trong tuần.
- Thiếu nhi các ngày Chúa Nhật: tuần 2 và tuần 3 trong tháng.
________________________________________________________
LỊCH SINH HOẠT MỤC VỤ THÁNG 10/2020
-
Thứ Năm (01/10) Lễ thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu - Bổn mạng ca đoàn Têrêsa. Thánh Lễ mừng bổn mạng sẽ được cử hành vào lúc 05g00’. Kính mời cộng đoàn cùng tham dự.
-
Thứ Năm (01/10) Lễ mừng Trung thu cho các em thiếu nhi. Thánh Lễ sẽ được cử hành vào lúc 18g00’ cùng ngày.
-
Thứ Bảy (03/10) lễ mừng bổn mạng Ca đoàn Phanxico Assisi, Thánh Lễ bổn mạng được cử hành vào lúc 18’00.
-
Lễ bổn mạng nhóm chia sẻ Tin mừng sẽ được cử hành vào lúc 18h00 ngày thứ tư, 30/09.
-
Chúa nhật (04/10) đầu tháng, Giáo xứ có rửa tội cho các trẻ sơ sinh. Những Gia đình nào có con em muốn được rửa tội, xin liên hệ với ban chấp hành giáo khu nhận giấy đăng ký và xin nộp sổ gia đình công giáo tại văn phòng Giáo xứ .
-
Thứ Ba (13/10) kỷ niệm ngày Đức Mẹ hiện ra tại Fatima. Thánh lễ sẽ được cử hành lúc 12g00’ cùng ngày.
________________________________________________________
MỘT SỐ NGÀY LỄ TRONG THÁNG CẦN GHI NHỚ
-
Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, trinh nữ, tiến sĩ Hội Thánh, bổn mạng các xứ truyền giáo, lễ kính (01/10).
Sinh tại Alencon ngày 2.1.1873. Qua đời tại Lisieux ngày 30.9.1897.
Thánh Têrêsa chào đời ngày 2.1.1873 tại Alencon nước Pháp. Song thân là cụ Louis Martin (+1894) và bà Maria Guérin (+1877) có tất cả 9 người con, nhưng chỉ sống có 5; cả 5 cô con gái đều bước vào tu viện. Khi Têrêsa chưa tròn 4 tuổi, bà mẹ Guérin qua đời để lại một tang buồn cho gia đình, nhất là Têrêsa. Bà phải chịu ung thư suốt 12 năm đến lúc kiệt lực phải qua đời. Từ ngày đó ông Louis Martin bỏ Alencon lui về Lisieux với cả gia đình.
Vào tháng 4.1888 Têrêsa bước vào đan viện Cát Minh ở Lisieux lúc được 15 tuổi. Lúc ấy chị đã có cảm nghiệm phong phú về đời sống đạo đức. Chính chị xem đêm Giáng Sinh 1886 như là một sự kiện quyết định trong đời sống của chị. Chị cảm nhận hồng ân của một việc chuyển đổi hoàn toàn; từ đấy, chị hiểu ơn gọi của cuộc đời mình là yêu Chúa Kitô và yêu con người.
Cuộc đời trong dòng Cát Minh của chị, mặt ngoài rất đơn sơ, nhưng con đường nội tâm càng ngày càng lên cao. Chị hiểu rõ tình yêu của chị đối với Chúa Kitô phải được thực hiện trong việc theo Chúa trên con đường khổ nạn. Thánh Kinh đối với chị ngày càng nên sách đọc duy nhất, nhưng kèm theo đó là thử thách nội tâm và đau khổ phần xác lại diễn ra hằng ngày.
Trong đêm thứ sáu Tuần Thánh năm 1896, chị bị ho ra máu lần đầu tiên. Mười tám tháng cuối cùng là một cuộc tử đạo triền miên. Chị qua đời ngày 30.9.1897, hưởng dương 24 tuổi, với tiếng thì thào: “Lạy Chúa, con yêu Chúa!”
Chúng ta biết được con đường nội tâm của thánh nữ nhờ vào quyển “Lịch sử một tâm hồn” và “Các lời nói” do bà chị ruột cũng là bề trên sưu tập. Têrêsa đi vào điều trọn vẹn, điều vĩ đại: chị muốn yêu Chúa Giêsu hơn bất cứ ai trên thế giới; chị muốn dâng mình cho tình yêu nhân từ của Chúa như của lễ toàn thiêu; chị muốn yêu tất cả mọi người, như Chúa Giêsu đã yêu. Chống lại kiêu ngạo, chị luôn nhận thức mình hoàn toàn bất lực và nếu có làm được gì, đó là do sức mạnh tình yêu của Chúa ban cho. Đức Thánh Cha Piô XI nâng Têrêsa lên hàng hiển thánh và đặt làm thánh quan thầy cho các xứ truyền giáo.
-
Các thiên thần hộ thủ, lễ nhớ (02/10).
Ngày xưa người ta tin rằng thiên thần là những thần linh giữ vai trò quan trọng trong việc liên lạc giữa thế giới Thiên Chúa và con người; niềm tin này đã được thấy nói trong Cựu Ước, cho dù không được giải thích rõ ràng.
Trong Cựu Ước, thiên thần là sứ giả trợ lực của Thiên Chúa (St 16,7; 21,17; Xh 14,19; 2 V 19,35). Trong những tác phẩm cuối (tỉ như sách Đanien) có kể tên các vị thiên thần; qua tên đó chúng ta thấy được công tác của họ.
Trong Tân Ước, các thiên thần cũng giữ một vai trò trong đời sống Đức Giêsu và Hội Thánh tiên khởi. Nếu có những sức lực của Satan, của ma qủi, thì cũng có những thiên thần lành, trợ lực, hướng dẫn và bảo vệ con người. Niềm tin vào thiên thần bản mệnh hay hộ thủ dựa vào đoạn Phúc Âm Mt 18,10.
Thánh Lễ thiên thần hộ thủ rất phổ biến ở thế kỷ XV và XVI, thường được liên kết với lễ Tổng Lãnh Thiên Thần Micae (29.9). Năm 1670 Đức Giáo Hoàng Clémentê X đã cho phép mừng lễ thiên thần hộ thủ trong cả Hội Thánh và xác định lễ này vào ngày 2.10 hằng năm.
- Đức Mẹ Mân Côi, lễ nhớ (07/10).
Chuỗi Mân Côi, với hình thức ngày hôm nay, được các cha Dòng Đa Minh và sau đó Dòng Tên truyền bá từ thế kỷ 15. Lễ Mân Côi không nhằm vào xâu chuỗi cho bằng hướng về Thánh Mẫu Mân Côi, đó là Đức Trinh Nữ Maria.
Thánh lễ được Đức Giáo Hoàng Piô V, xuất thân từ dòng Đa Minh, lập ra vào năm 1572, để kỷ niệm chiến thắng của hạm đội Công Giáo trên dân Thổ Nhĩ Kỳ (Hồi Giáo) ở vịnh Lepanto ngày 7.10.1571.
Sau cuộc chiến thắng quân Thổ Nhĩ Kỳ ở Peterwardein xứ Hungarie ngày 5.8.1716, theo yêu cầu của vua Charles VI, Đức Giáo Hoàng đã cho phép mừng lễ này trong toàn Hội Thánh.
- Thánh Têrêsa Giêsu, trinh nữ, tiến sĩ Hội Thánh, lễ nhớ (15/10).
Sinh tại Avila (castille) năm 1515. Qua đời tại Alba de Tormès ngày 15.10.1582.
Thánh Têrêsa Giêsu (nguyên tên là Teresa Sánchez de Cepeda y Ahumada) sinh năm 1515 tại Avila, nước Tây Ban Nha. Trong gia đình, người ta đọc Thánh Kinh và cả các sách của Virgil, cũng như Cicero. Đó là thời phong trào Nhân Bản và Phục Hưng.
Lúc 19 tuổi, bà bước vào dòng Cát Minh tại Avila. Lúc ấy sinh hoạt của dòng còn rất thoải mái: các nữ tu có thể tiếp khách tự do và nếu bữa ăn quá kém, các chị có thể vào thành để đi ăn tiệm. Têrêsa cũng đã sống thoải mái như thế khoảng 15 năm.
Vào năm 1555 Têrêsa cảm nghiệm một cuộc chuyển đổi nội tâm sâu xa, khi bà nhìn một bức ảnh Chúa Giêsu bị trói vào trụ đá để chịu đánh đòn. Từ ngày đó sức thần linh tuôn đổ trên bà với sức mạnh làm cho bà và nhiều người khác phải khủng khiếp. Những thị kiến của bà đều được các nhà thần học nổi tiếng công nhận là thực và xác nhận lời dạy của bà đi đúng với đức tin Công Giáo.
Sau một thị kiến khủng khiếp vào năm 1560, Têrêsa tuyên khấn sẽ thực hiện những gì toàn thiện tuyệt hảo và trung thành tuân giữ luật dòng cách nhiệm nhặt. Với dự định đưa dòng trở lại nếp sống khổ hạnh cũ, bà được thánh Phêrô Alcantara và sau đó là thánh Gioan Thánh Giá (mừng ngày 14.12) hỗ trợ.
Bắt đầu từ năm 1562, bà thành lập những tu viện Cát Minh “cải tổ” được gọi là những chị “đi chân đất”. Tất cả là 18 tu viện trên đất Tây Ban Nha. Tất cả các chị hoàn toàn cách ly với trần thế, tận hiến cuộc đời cho kinh nguyện.
Theo lời khuyên của thánh Gioan Thánh Giá, bà ghi lại ký ức về cuộc đời cũng như việc canh tân dòng bằng tiếng Tây Ban Nha. Tác phẩm quan trọng nhất của bà là quyển “Lâu đài nội tâm” xuất bản năm 1573.
Thánh nữ Têrêsa Avila là một người đàn bà đặc biệt với tâm hồn nhiệt thành, một trực giác sáng suốt và một tài tổ chức đáng kinh ngạc. Bà qua đời vào ngày 15.10.1582.
Đức Thánh Cha Phaolô VI vào năm 1970 đã nâng bà và bà thánh Catarina thành Sienna lên hàng tiến sĩ Hội Thánh.
- Thánh Ignatio Antiochia, Giám Mục, tử đạo, lễ nhớ (17/10) .
Sinh tại Syrie, qua đời tại Rôma dưới thời Trajan (98-117).
Thánh Ignatio với biệt danh là Theophoros (người mang Chúa) là vị Giám Mục thứ ba của thành Antiochia, sau thánh Phêrô, được xem như người thành lập giáo đoàn này, và thánh Evodius.
Tục truyền rằng, ngài là đứa bé được Chúa Giêsu đặt giữa các Tông Đồ, khi họ tranh chấp ai là người lớn nhất trong Nước Trời. Tông Đồ Gioan có lẽ là Thầy của ngài.
Khoảng năm 110, ngài bị bắt vì đức tin và bị giải về Rôma dưới trào hoàng đế Trajan. Trong cuộc hành trình gian nan này, ngài viết 7 lá thư, nói lên tình yêu nồng say của ngài đối với Đức Kitô và ưu tư của ngài về sự hiệp nhất của cộng đoàn dưới sự lãnh đạo của vị Giám Mục. Ngài gởi về giáo đoàn Rôma một lá thư, van xin họ đừng làm gì để người ta thả ngài.
Tại Rôma, ngài bị kết án và cuối cùng bị quăng cho thú xé xác tại hý trường Colosseum.
- Thánh Simon và thánh Giuđa, Tông Đồ, lễ kính 28/10).
Thánh Simon với biệt hiệu là “nhiệt thành”, có lẽ là đảng viên của nhóm chiến đấu quốc gia Zêlốt (Mt 10,4; Mc 3,18; Lc 6,15; Cv 1,14). Ngoài ra chúng ta cũng không biết ngài được gọi gia nhập vào nhóm Mười Hai như thế nào. Sau này có lẽ ngài đã đi rao giảng Tin Mừng ở Ai Cập và Ba Tư. Cùng với Giuđa Tađêô chịu tử, đạo ở Ba Tư.
Giuđa Tađêô mà Lc 6,16 và Cv 1,13 gọi là “Giuđa của Giacôbê”, có lẽ phải hiểu là Giuđa con của ông Giacôbê. Giacôbê nào đây, chúng ta không biết rõ. Có lẽ Giuđa cũng nằm trong nhóm chiến đấu giải phóng quốc gia Zêlốt; họ mong chờ ở Đức Giêsu một Đấng Messias chính trị, một người giải phóng đất nước Ítraen.
BỘ PHỤNG TỰ VÀ KỶ LUẬT CÁC BÍ TÍCH: HÃY VUI MỪNG TRỞ LẠI VỚI THÁNH LỄ
Ủy ban Phụng tự / HĐGMVN
WHĐ (15.9.2020) – Ngày 11 tháng 09 vừa qua, Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích công bố thư của Đức Hồng y Bộ trưởng gửi các Chủ tịch Hội đồng Giám mục Công giáo về việc cử hành phụng vụ trong và sau thời gian đại dịch COVID-19 với chủ đề HÃY VUI MỪNG TRỞ LẠI VỚI THÁNH LỄ.
Ủy ban Phụng tự xin giới thiệu bản Việt ngữ của thư này.
***
BỘ PHỤNG TỰ VÀ KỶ LUẬT CÁC BÍ TÍCH
Prot. N. 432/20
Hãy vui mừng trở lại với Thánh lễ
Thư gửi các Chủ tịch Hội đồng Giám mục Công giáo
về việc cử hành phụng vụ trong và sau thời gian đại dịch COVID-19
Đại dịch Covid-19 đã gây nên những biến động không chỉ trong lĩnh vực xã hội, gia đình, kinh tế, giáo dục và lao động, nhưng cả trong đời sống cộng đoàn Kitô hữu, kể cả phụng vụ. Để ngăn ngừa tình trạng lây nhiễm, cần phải áp dụng nghiêm nhặt việc giãn cách xã hội, một biện pháp ảnh hưởng đến nét sinh hoạt cơ bản của đời sống Kitô hữu: “Nơi đâu có hai hoặc ba người họp lại nhân danh Thầy, Thầy sẽ hiện diện ở đó với họ” (Mt 18, 20); “Các tín hữu luôn chuyên cần lắng nghe giáo lý của các Tông đồ, sống tình hiệp thông, dự lễ bẻ bánh và kiên trì cầu nguyện. Tất cả mọi kẻ tin đều sống hòa hợp với nhau và để mọi sự làm của chung” (Cv 2, 42.44).
Chiều kích cộng đoàn này mang nhiều ý nghĩa thần học: Thiên Chúa là mối tương quan giữa Ba Ngôi Cực Thánh. Thiên Chúa tạo dựng nhân loại với mối tương quan bổ túc cho nhau giữa người nam và người nữ vì “con người ở một mình không tốt” (St 2, 18). Thiên Chúa thiết lập mối tương quan với người nam và người nữ, đồng thời cũng mời gọi họ liên kết với Người. Thánh Augustinô trực cảm được điều đó khi ngài nói trái tim chúng ta còn mãi thao thức cho đến lúc gặp được Thiên Chúa và nghỉ yên trong Người (xem Tự thuật, 1, 1). Ngay khi khởi đầu sứ vụ công khai, Chúa Giêsu đã gọi một nhóm môn đệ đến với Người, để cùng Người chia sẻ cuộc sống và loan báo Nước Trời; Hội Thánh đã hình thành từ cộng đoàn bé nhỏ đó. Thánh Kinh diễn tả cuộc sống đời đời với hình ảnh một thành phố: Giêrusalem trên trời (xem Kh 21). Thành phố là một cộng đồng cư dân cùng chia sẻ những giá trị nhân sinh, những thực tại nhân bản và tâm linh nền tảng, cùng chung không gian và thời gian, với các tổ chức sinh hoạt và cùng xây dựng các thiện ích chung. Trong khi các dân ngoại xây dựng đền thờ chỉ để dâng kính thần thánh, con người không được phép đến gần, thì các Kitô hữu, ngay khi được tự do phụng thờ Thiên Chúa, đã xây dựng những nơi vừa là nhà của Thiên Chúa vừa là nhà của Hội Thánh, nơi các tín hữu cảm nhận được mình chính là cộng đoàn thuộc về Thiên Chúa, là đoàn dân được quy tụ để phụng thờ Thiên Chúa và được thiết lập là cộng đồng dân thánh. Vì thế, Thiên Chúa phán: “Ta là Thiên Chúa của các ngươi và các ngươi sẽ là dân Ta” (Xh 6, 7; Đnl 14, 2). Chúa luôn trung thành với Giao ước Người đã lập (Đnl 7, 9), và Israel trở thành Nhà của Thiên Chúa, là nơi thánh để Thiên Chúa hiện diện trên địa cầu (xem Xh 29, 45; Lv 26, 11-12). Như thế, nhà Chúa phải được hiểu là luôn có sự hiện diện của gia đình những người con cái Thiên Chúa. Ngày nay cũng thế, trong lời nguyện cung hiến thánh đường, Đức Giám mục cầu xin điều thuộc về chính bản chất của thánh đường:
“Xin cho nhà náy luôn mãi là chốn linh thiêng, […]
Lạy Cha, xin cho nơi đây tuôn trào dòng suối ơn thánh
để tẩy sạch tội lỗi loài người,
và để đoàn con của Cha, nhờ chết đi cho tội,
được tái sinh vào sự sống thần linh.
Xin cho các tín hữu biết quy tụ nơi bàn thờ này
để cử hành lễ tưởng niệm hy tế Vượt Qua,
và để được dưỡng nuôi
nơi bàn tiệc Lời và Thánh Thể Đức Kitô.
Xin cho nơi thánh đường này,
lời chúc tụng ngợi khen của loài người
được vang lên trong tiếng ca của các thiên thần,
và lời cầu nguyện cho thế gian được cứu độ
được bay lên trước tôn nhan Cha.
Xin cũng cho nơi đây,
kẻ nghèo gặp được lòng thương xót,
người bị áp bức tìm thấy tự do,
và mọi người đón nhận phẩm giá của con cái Thiên Chúa,
cho đến ngày hân hoan tiến vào Giêrusalem trên trời”.
Cộng đoàn Kitô hữu không bao giờ tự cô lập hoặc muốn Hội Thánh trở thành một thành phố kín cổng cao tường. Nhận thức giá trị của tinh thần cộng đoàn và hướng đến thiện ích chung, các Kitô hữu luôn muốn hội nhập với xã hội, nhưng vẫn thận trọng không để bị tha hoá - ở giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian và không trở thành thế gian (xem Thư gửi Diognetus 5-6). Chính hoàn cảnh khó khăn của cơn đại dịch đã tạo nên ý thức trách nhiệm sâu xa hơn. Khi lắng nghe và cộng tác với chính quyền dân sự và các chuyên gia, các Giám mục đã chấp nhận đưa ra những quyết định khó khăn và đau xót, kể cả phải ngưng trong thời gian dài việc cử hành Thánh lễ có giáo dân tham dự. Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật các Bí Tích chân thành cám ơn các Giám mục đã quan tâm và nỗ lực để có thể ứng phó cách hữu hiệu nhất trước tình huống bất ngờ và vô cùng phức tạp này.
Tuy nhiên, khi có điều kiện, cần phải nhanh chóng trở lại với nếp sống bình thường của đời Kitô hữu, vì thánh đường vẫn là ngôi nhà chung và các cử hành phụng vụ, đặc biệt là Thánh lễ, luôn là “tột đỉnh quy hướng mọi hoạt động của Hội Thánh, đồng thời là nguồn mạch tuôn trào mọi năng lực cho Hội Thánh” (Sacrosanctum Concilium, số 10).
Với niềm xác tín rằng Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi nhân loại do chính Người tạo dựng, và cả những thử thách khó khăn nhất cũng có thể mang lại ơn phúc, chúng ta đã chấp nhận tạm xa bàn thờ trong thời gian như thể phải kiêng nhịn, không có Thánh lễ, một dịp tốt để giúp chúng ta tái khám phá tầm quan trọng thiết yếu, nét đẹp và giá trị cao quý vô cùng của Thánh lễ. Ngay khi có thể, chúng ta phải cử hành lại Thánh lễ với trái tim tinh tuyền, với những cảm nhận mới, trong niềm khát khao được gặp Chúa, được kết hiệp với Chúa, được đón nhận và đem Chúa đến cho anh chị em chúng ta qua nếp sống tràn đầy tin cậy mến.
Thời gian thiếu vắng Thánh lễ cũng cho chúng ta hiểu được tâm tư của anh chị em chúng ta, những vị tử đạo tại Abitina (đầu thế kỷ thứ IV), dù biết chắc chắn phải mang án chết, đã bình thản khẳng định trước các quan toà: “Sine Dominico non possumus”. Động từ non possumus (chúng tôi không thể) và danh từ Dominicum (điều thuộc về Chúa) không thể phiên dịch chỉ bằng một từ đơn giản nào được. Hôm nay, chúng ta chỉ có thể diễn đạt những sắc thái tinh tế và ý nghĩa phong phú của câu nói này qua những suy tư thật ngắn gọn như sau:
– Chúng tôi không thể sống, không thể là Kitô hữu, không thể đạt đến mức độ viên mãn của nhân cách và khát vọng sâu xa hướng đến thiện hảo và hạnh phúc, nếu không có Lời Chúa, được định hình trong các cử hành phụng vụ và trở thành lời sống động, do chính Chúa nói với những ai biết mở rộng trái tim để lắng nghe Người;
– Chúng tôi không thể sống như những Kitô hữu, nếu không thông dự vào Hy tế Thánh Giá của Chúa Giêsu, Đấng đã hiến thân chịu chết để cứu độ nhân loại đang chết vì tội lỗi; Đấng Cứu Thế đã đón nhận và đưa nhân loại về với Chúa Cha; trong vòng tay của Đấng đã chịu đóng đinh trên thập giá, toàn thể nhân loại đau khổ tìm được ánh sáng và sức mạnh đỡ nâng.
– Chúng tôi không thể sống nếu không có bàn tiệc Thánh Thể, bữa ăn Chúa dọn ra và mời chúng tôi là những người con, những người anh chị em đến để đón nhận chính Đức Kitô Phục sinh, với cả Mình, Máu, Linh hồn và Thần tính của Người trong tấm Bánh bởi trời, là sức mạnh nâng đỡ chúng tôi trong mọi niềm vui nỗi buồn của cuộc lữ hành trần thế;
– Chúng tôi không thể sống nếu không có cộng đoàn Kitô hữu, gia đình của Chúa; chúng tôi cần gặp gỡ những người anh chị em cùng chia sẻ hồng ân làm con Thiên Chúa, làm em của Đức Kitô, cùng được mời gọi nên thánh và đón nhận ơn cứu độ, dù rất khác biệt nhau về tuổi tác, về hoàn cảnh cá nhân, về các đặc sủng và ơn gọi riêng của mỗi người;
– Chúng tôi không thể sống nếu không có Nhà Chúa, cũng là nhà của chúng tôi, nếu không có nơi thánh để chúng tôi được sinh ra trong đức tin, nơi chúng tôi nhận ra sự hiện diện của Chúa quan phòng và vòng tay xót thương nâng dậy những ai đang quỵ ngã, nơi chúng tôi hiến thánh ơn gọi hôn nhân hoặc tu trì, nơi chúng tôi cầu nguyện và tạ ơn, vui mừng và than khóc, nơi chúng tôi phó dâng cho Chúa Cha những người thân yêu của chúng tôi đã hoàn tất cuộc lữ hành trần thế;
– Chúng tôi không thể sống nếu không có Chúa nhật, ngày của Chúa, ngày mang lại ánh sáng và ý nghĩa cho những chuỗi ngày lao động cũng như cho các bổn phận trong gia đình và xã hội.
Mặc dù các phương tiện truyền thông đang hỗ trợ rất nhiều cho các bệnh nhân và những người không thể đến nhà thờ, cũng như đã phục vụ hữu hiệu cho việc truyền thanh truyền hình các Thánh lễ trong thời gian không thể cử hành với sự tham dự của cộng đoàn, nhưng tham dự từ xa không thể so sánh hay thay thế cho việc tham dự thật sự. Trái lại, nếu chỉ tham dự qua phương tiện truyền thông, chúng ta có nguy cơ sao lãng việc gặp gỡ riêng tư và thân tình với Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể, Đấng đã hiến thân vì chúng ta không phải trong một không gian ảo, nhưng là trong thế giới thực, như chính Người đã nói: “Ai ăn thịt tôi và uống máu tôi, sẽ ở lại trong tôi và tôi ở trong người ấy” (Ga 6, 56). Sự tiếp xúc cách thể lý với Chúa mang tính cách sống còn, cần thiết và không thể thay thế. Với những biện pháp cụ thể để hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh đã được xác nhận và áp dụng, cần để mọi người trở về vị trí của mình trong cộng đoàn anh chị em tín hữu, hãy tái khám phá giá trị cao quý không thể thay thế của các cử hành phụng vụ, hãy mời gọi và khích lệ những anh chị em đang nản lòng, sợ hãi, đã vắng mặt hoặc nguội lạnh quá lâu.
Bộ Phụng Tự muốn nhắc nhở một số nguyên tắc và gợi ý một vài phương thức để thực hiện việc trở lại với Thánh lễ cách nhanh chóng và an toàn.
Không nên để mối quan tâm về các quy định y tế và an toàn làm cho các cử chỉ và nghi thức phụng vụ trở nên khô cằn vô hiệu, hoặc vô ý tạo nên tâm trạng lo lắng và cảm giác không an toàn nơi các tín hữu.
Các Giám mục cần khôn ngoan nhưng phải dứt khoát giải thích cho các nhà chức trách dân sự hiểu rằng việc các tín hữu tham dự Thánh lễ không chỉ đơn thuần là một cuộc “tụ họp”, và không được xem việc này là một sinh hoạt thứ yếu hoặc tương tự như các hình thức giải trí.
Các quy định về phụng vụ không thuộc thẩm quyền các nhà chức trách dân sự, nhưng hoàn toàn thuộc thẩm quyền Hội Thánh (Sacrosanctum Concilium, số 22).
Nên giúp các tín hữu dễ dàng tham dự các cử hành phụng vụ, nhưng không được tuỳ tiện trong nghi thức, phải tuân hành trọn vẹn những quy định về nghi thức trong các sách phụng vụ. Trong phụng vụ, qua cảm nghiệm về sự linh thiêng, thánh thiện và vẻ đẹp có sức biến đổi tâm hồn, các tín hữu được nếm trước hương vị êm dịu của hạnh phúc đời đời. Vì thế, phải lưu tâm đến tính cách trang trọng của nơi cử hành, các vật dụng thánh, cách thức cử hành, theo như lời dạy của Công đồng Vatican II: “Các nghi thức phải tỏa sáng tính cách đơn sơ cao quý” (Sacrosanctum Concilium, số 34).
Các tín hữu có quyền lãnh nhận Mình Thánh Chúa và tôn thờ Chúa Kitô hiện diện trong bí tích Thánh Thể theo những cách thức đã được ấn định, không hạn chế, kể cả khi các quy định phụng vụ vượt quá giới hạn các quy định y tế của chính quyền hoặc của các giám mục.
Khi cử hành bí tích Thánh Thể, các tín hữu thờ lạy Chúa Giêsu Phục sinh đang hiện diện; chúng tôi nhận thấy nhiều người đã dễ dàng đánh mất cảm thức tôn thờ Chúa, không còn chầu Mình Thánh Chúa, xin các mục tử, khi dạy giáo lý, nên nhấn mạnh thêm về sự cần thiết của việc tôn thờ Thánh Thể.
Nguyên tắc vững vàng nhất để ngăn ngừa sai lạc, đó là vâng phục, vâng theo những quy định của Hội Thánh, vâng nghe các giám mục. Trong những thời điểm khó khăn (như chiến tranh, dịch bệnh), phải vâng theo những quy định tạm thời của các Giám mục và Hội đồng Giám mục. Sự vâng phục sẽ bảo toàn kho tàng đã được uỷ thác cho Hội Thánh. Các quy định của Giám mục và Hội đồng Giám mục sẽ hết hiệu lực khi hoàn cảnh trở lại bình thường.
Hội Thánh vẫn tiếp tục ân cần chăm lo cho con người toàn diện. Hội Thánh là chứng nhân của niềm hy vọng, mời gọi chúng ta tín thác vào Thiên Chúa, luôn nhắc mọi người nhớ rằng cuộc đời trần thế là quan trọng, nhưng sự sống vĩnh cửu lại quan trọng hơn: cứu cánh và ơn gọi của chúng ta là được thông phần vào chính sự sống của Thiên Chúa cho đến muôn đời. Đó là đức tin của Hội Thánh, được biết bao vị tử đạo và thánh nhân làm chứng qua các thời đại, như một lời loan báo giúp chúng ta thoát khỏi những chủ trương giản lược hoá, san bằng tất cả, và các ý thức hệ mang tính lý thuyết, không thực tế. Hội Thánh muốn lời rao giảng và sự đồng hành tâm linh hướng về ơn cứu độ đời đời luôn được liên kết với mối quan tâm cần thiết đối với sự an lành của cộng đồng. Vì thế, chúng ta hãy luôn tín thác trọn vẹn vào lòng Chúa xót thương, không ngừng kêu lên Đức Trinh Nữ Maria là Đấng cứu kẻ liệt kẻ khốn và phù hộ các giáo hữu, xin Mẹ chuyển cầu cho những ai đang gặp thử thách đớn đau trong cơn đại địch cũng như trong bao nỗi âu lo phiền muộn khác, hãy luôn nhớ cầu nguyện cho những người đã qua đời, và chúng ta hãy là chứng nhân cho Đấng Phục Sinh, đồng thời cũng là sứ giả của niềm trông cậy vững vàng, vượt trên những giới hạn của trần gian này.
Vatican, ngày 15 tháng 8 năm 2020, lễ Đức Maria hồn xác lên trời.
Đức Giáo hoàng Phanxicô, trong buổi triều yết ngày 3 tháng 9 năm 2020 dành cho Hồng y Bộ trưởng Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật các Bí Tích ký tên dưới đây, đã phê chuẩn và cho phép công bố Thư này.
Hồng y Robert Sarah
Bộ trưởng
(đã ký)