Gần đây, một số phụ huynh Công giáo đã đăng lên mạng xã hội các bức ảnh của con mình trong buổi lễ ban Bí tích Thêm sức tại các giáo xứ. Buổi lễ diễn ra trang trọng, các em được mặc quần áo đẹp, có nơi còn đeo thêm vòng hoa vào cổ, cúi mình đón nhận Bí tích Thêm sức.
- 24/07/2022
- 1229 lượt xem
- Tin Tức Giáo Hội
Ban Bí tích Thêm sức là gì? Ai được ban Bí tích này trong đạo Công giáo? Trong buổi lễ...
Ban Bí tích Thêm sức là gì? Ai được ban Bí tích này trong đạo Công giáo?
Trong buổi lễ ban Bí tích Thêm sức, Đức Giám mục sẽ chấm dầu Thánh đã được làm phép, ghi hình thánh giá lên trán. Với người Công giáo, được ban Bí tích Thêm sức là cột mốc quan trọng thứ hai sau Bí tích Rửa tội.
Bí tích Thêm sức là gì?
Linh mục Phêrô Nguyễn Thanh Tùng, Chánh xứ giáo xứ Thị Nghè cho biết, có 7 phép Bí tích trong Công giáo, đó là: Bí tích Rửa Tội, Bí tích Thánh Thể, Bí tích Thêm sức, Bí tích Hòa giải, Bí tích Xức dầu bệnh nhân, Bí tích Truyền chức thánh và Bí tích Hôn phối.
(Thánh lễ ban Bí tích Thêm sức tại Giáo xứ Tân Việt (TP.HCM) ngày 19.7.2022_Giáo xứ Tân Việt)
Một giáo dân bình thường khi được lãnh Bí tích Rửa tội, thì cho dù giữ đạo hay không giữ đạo, họ vẫn được ghi dấu ấn bí tích trong niềm tin và trong cộng đồng. Tương tự, Bí tích Thêm sức cũng vậy, mỗi giáo dân chỉ lãnh duy nhất một lần trong đời.
Theo vị Linh mục, Bí tích Thêm sức là 1 trong 3 bí tích gia nhập khai tâm Kitô giáo, cùng với Bí tích Rửa tội và Bí tích Thánh thể.
Vậy ai được nhận Bí tích Thêm sức và nhận vào khi nào? Linh mục Phêrô Nguyễn Thanh Tùng cho hay, khi một người trưởng thành gia nhập đạo sẽ cùng lúc lãnh 3 Bí tích là: Bí tích Rửa tội, Bí tích Thêm sức và bí tích Thánh thể.
Còn với trẻ em thuộc những gia đình đã có đạo, thường khoảng 1 tháng tuổi sẽ được cha mẹ đưa đến nhà thờ lãnh Bí tích Rửa tội để trở thành người có đạo. Đến khi 9 – 10 tuổi, các em đã học giáo lý tại giáo xứ sẽ được đón nhận Bí tích Giải tội và Thánh thể. Bí tích thứ tư mà các em được đón nhận sẽ là Bí tích Thêm sức, thường vào khoảng năm 12 – 13 tuổi.
(Cha tuyên úy giới thiệu với Đức Giám mục các em đủ điều kiện lãnh Bí tích Thêm Sức_Giáo xứ Tân Việt)
“Rửa tội không phải chỉ là đổ một tí nước hay Thêm sức là xức một tí dầu Thánh, mà là để xác định việc họ trở thành người có đạo, nói cách khác là Kitô hữu – tức là người trở thành hiện thân của Chúa, sống đời sống thánh thiện theo gương của Chúa, sống đời sống yêu thương phục vụ bác ái theo gương của Chúa”, linh mục Chánh xứ giáo xứ Thị Nghè giải thích.
Nguồn gốc, ý nghĩa của Bí tích Thêm sức
Theo Linh mục Phêrô Nguyễn Thanh Tùng, trong đạo Công giáo có tất cả 7 phép Bí tích, 7 phép Bí tích này có từ thời nguyên thủy, do Chúa Giê su thiết lập. Về nguồn gốc Bí tích Thêm sức, ngày trước, khi các tông đồ đón nhận tin Chúa Giê su chịu chết thì hoang mang, lo sợ, họ ở trong nhà đóng cửa kín vì sợ bị bắt sợ bị giống như thầymình, sợ không dám làm gì hết. Chúa Cha đã ban Chúa Thánh thần xuống thông qua làn gió lọt vào các khe cửa vào nhà ban sức mạnh thần khí cho các tông đồ.
Người Công giáo tin rằng, Bí tích Thêm sức đã giúp các tông đồ gia tăng sức mạnh
Sau đó, khi đón nhận Chúa thánh thần rồi, với sức mạnh, tác động của thánh thần người tông đồ mở tung cửa ra đi để làm chứng bằng đời sống, đi khắp nơi rao giảng cho mọi người biết về màu nhiệm cứu độ của Chúa, về sự phục sinh của Chúa để đem ơn cứu độ cho nhân loại, phục hồi sự sống mới cho con người.
Từ đó, người Công giáo tin rằng, Bí tích Thêm sức đã giúp các tông đồ gia tăng sức mạnh. Các em khi lãnh nhận Bí tích Thêm sức là các em được xác định một độ trưởng thành nhờ ơn sủng Chúa thánh thần, qua đó các em trở thành chứng tá cho đời sống Kitô giáo, đời sống bác ái, yêu thương. Các em cũng có thêm sức mạnh của Chúa thánh thần để trở thành người làm chứng cho ơn cứu độ, tình thương, công lý, bác ái, cho sự phục vụ yêu thương như chính Chúa đã phục vụ.
Trong Công giáo, mỗi đứa trẻ sinh ra ngoài cha mẹ ruột còn có cha mẹ đỡ đầu góp phần chung đào tạo, nhắc nhở đứa trẻ về đời sống đạo đức thiêng liêng. Chánh xứ giáo xứ Thị Nghè chia sẻ: “Giáo hội hướng dẫn người đỡ đầu có bổn phận, trách nhiệm với người con đỡ đầu của mình. Vì vậy giáo hội tách biệt ra không để cha mẹ ruột đỡ đầu cho con cái mà cần một người khác cho sự cộng tác thêm nữa với ý thức chung để đào tạo, giáo dục những người trong giáo hội”.
(Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp trong Thánh lễ ban Bí tích Thêm sức tại Giáo xứ Thị Nghè)
Thông thường, mỗi năm các giáo xứ sẽ tổ chức ban Bí tích Thêm sức 1 lần, nhưng ở những giáo xứ ít người thì có thể gom lại 2 năm làm một lần. Buổi ban Bí tích này sẽ diễn ra trong Thánh lễ và chỉ Giám mục là người ban Bí tích Thêm sức cho các em, trừ trường hợp đặc biệt được Giám mục ủy quyền. Mỗi giáo xứ được đón Giám mục về thì ai nấy cũng vui như đón người Cha về đại gia đình.
Nghi thức ban Bí tích Thêm sức
Linh mục Phêrô Nguyễn Thanh Tùng cho biết, trong Thánh lễ ban Bí tích Thêm sức, sau phần phục vụ lời Chúa, giáo dân lắng nghe bài giảng của Giám mục rồi sẽ đến phần cử hành Bí tích Thêm sức.
Nghi thức diễn ra trang trọng, sau khi Cha tuyên úy (phụ trách thiếu nhi của giáo xứ) giới thiệu các em với Đức Cha là đã đủ điều kiện để lãnh nhận Bí tích Thêm sức, rồi sẽ có người xướng tên mời các em tiến lên lãnh nhận Bí tích, cha mẹ đỡ đầu sẽ theo sau và đặt tay lên vai các em lúc các em lãnh nhận Bí tích.
(Đức Tổng giám mục Giuse Nguyễn Năng ban Bí tích thêm sức tại Giáo xứ Tân Việt ngày 19.7_Giáo xứ Tân Việt)
Đức Giám mục đặt tay cầu khẩn Chúa thánh thần ngự xuống trên các em, Giám mục gọi tên Thánh của các em rồi nói “Hãy lãnh nhận ấn tín Chúa Thánh thần”, các em thưa “Amen” rồi Ngài xức dầu Thánh, ghi hình Thánh giá trên trán cho các em. Sau đó Giám mục chúc bình an của Chúa cho em, các em tạ ơn cúi chào Giám mục rồi quay về chỗ ngồi.
Các em đứng bên dưới, từng em sẽ lên, hoặc Giám mục đứng thì các em lên xếp hàng từng em lên, trang trọng hơn thì Giám mục ngồi ghế, các em lên quỳ gối xuống. Đây là dịp đặc biệt ghi dấu ấn nên gia đình sẽ kết hợp giáo xứ, ban giáo lý để các em ăn mặc trang trọng, một số nơi có thêm vòng hoa, có người chụp hình.
Nói thêm về phần dầu Thánh, đây là dầu đã được làm phép trong ngày thứ 5 tuần thánh trước lễ Phục sinh ở Nhà thờ chính tòa (nhà thờ Đức Bà Sài Gòn). Trong buổi này, dầu được làm phép và sẽ sử dụng trong các buổi lễ sau đó cho đến thứ 5 tuần thánh của năm sau.
Theo Chánh xứ giáo xứ Thị Nghè, trong Công giáo khi cần lãnh nhận Bí tích Hôn phối thì mỗi người phải trích lục lại chứng nhận Bí tích Rửa tội, Bí tích Thêm sức.
Nguồn: https://thanhnien.vn/ban-bi-tich-them-suc-la-gi-ai-duoc-ban-bi-tich-nay-trong-dao-cong-giao-post1480599.html
Ý KIẾN BẠN ĐỌC